THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:08

Cầu Hàm Rồng – nhân chứng lịch sử

Huyết mạch nối hai miền đất nước

Nằm ở phía bắc Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng được xem là “yết hầu” của “con đường huyết mạch” một thời, là niềm tự hào cho cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt.

Cầu Hàm Rồng khi mới được xây dựng năm 1905.

 

Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng không chỉ với nhân dân tỉnh Thanh Hóa mà còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Những năm 1960, khi đất nước còn chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Đảng, Nhà nước đã khởi công xây dựng lại cầu Hàm Rồng. Đây là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông từ miền Bắc vào miền Trung.

Từ đây vũ khí, đạn dược…được vận chuyển cho các chiến trường Miền Nam. Hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua cây cầu này để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ từ 1964-1973, Trung ương Đảng, Quân khu 3 và Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định: "Trọng điểm địch đánh phá quân khu vào lúc này là Thanh Hóa. Trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng. Bảo vệ được cầu Hàm Rồng là góp phần bảo vệ giao thông thông suốt".

Các lực lượng tham gia sửa chữa, bảo vệ cầu Hàm Rồng.

 

Giới quân sự Mỹ đã từng xác định có 60 điểm tắc trên hệ thống giao thông ở bắc Việt Nam và điểm tắc điển hình chính là những cây cầu. Với vị trí trọng yếu, nằm trên vĩ tuyến 20, có hai bờ cao, nơi dòng sông sâu chảy xiết, là điểm tắc lý tưởng, cầu Hàm Rồng được Mỹ coi là “điểm nút số một” để cô lập con đường chi viện từ Bắc vào Nam.

Chính vì vậy Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá cầu với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau. Với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này của ta, bộ quốc phòng Mỹ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá Hàm Rồng. Chúng đã huy động 121 lần tốp với 2.924 lần chiếc máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom phá với 11.526 quả, 99 bom nổ chậm, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốckét, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm bom bi và thủy lôi. Tính bình quân mỗi người dân ở đây phải chịu đựng 5 tấn bom đạn của địch…

Đại đội 1 pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng

 

Có mặt chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong suốt 10 năm (1965-1975), ông Lê Xuân Giang (SN 1947 tại xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 cho biết: “Để đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt phục vụ cho chiến trường miền Nam, trong suốt thời kỹ Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, một số nhịp trên cầu Hàm Rồng đã bị gãy, chỉ ô tô nhẹ là qua được. Trước tình hình đó, ngoài việc tiếp tục bảo vệ cầu, nhanh chóng khắc phục sự cố, nhiều phương án vận tải khác đã được đưa ra, trong đó có việc đỡ cho cầu Hàm Rồng bằng cầu luồng và cầu tôn. Lực lượng dân quân, nhân dân địa phương còn tận dụng tre, luồng từ miền núi chuyển về để xây dựng các cây cầu tạm, ngày đêm vận chuyển hàng trăm nghìn tấn lương thực, vũ khí đạn dược… chưa một phút nào hàng hóa bị ngừng chảy vào miền Nam. Có những đêm trăng sáng, đứng trên đồi cao có thể nhìn thấy cả một vùng trận địa hai bên bờ Bắc, Nam cầu Hàm Rồng như một đại công trường…” – Ông Giang nhớ lại.

Đồng Chí Lê Duẩn, thăm bộ đội pháo cao xạ bảo vệ Hàm Rồng năm 1967.

 

 

Ký ức không thể nào quên

Trong câu chuyện kể của mình ông Giang cho biết: Cây cầu Hàm Rồng có ý nghĩa hết sức đặc biệt, là cây cầu vinh dự còn được mang tên ngày sinh của Bác Hồ (cầu 19/5), là tình cảm của quân dân Thanh Hóa hướng về Bác, về Thủ đô thân yêu, là cây cầu huyết mạch hướng về Miền Nam ruột thịt tiến tới ngày thống nhất đất nước. Ở Hàm Rồng không chỉ có trận đầu đánh thắng giặc lái Mỹ mà còn có gần 3.000 ngày đêm chiến đấu kiên cường, gian khổ, vượt qua mọi hi sinh để bảo vệ con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam, đây cũng là cây cầu được bảo vệ lâu dài nhất trong lịch sử.

Ông Lê Xuân Giang bên bức họa về cầu Hàm Rồng

 

“Năm 1965, trong một trận đánh ác liệt của máy bay Mỹ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh anh Nguyễn Văn Điền, khẩu đội trưởng khẩu đội 4, khi bị máy bay Mỹ ném bom vào hầm công sự đã ngất đi với nhiều vết thương ở bụng. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh ấy hỏi chúng tôi là “cầu còn hay mất” rồi lấy cờ lệnh bịt vết thương, dựa người vào công sự chỉ huy khẩu đội chiến đấu. Hay trong trận đánh ngày 3/9/1967, máy bay địch giải bom trên khu vực trận địa, có những chiến sỹ hi sinh nhưng vẫn ngồi trên mâm pháo, đầu gục xuống. Hình ảnh ấy sau này đã trở thành khẩu hiệu cho tất cả bộ đội bảo vệ Hàm Rồng “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” – ông Giang nhớ lại.

Gắn bó với những người lính, người đồng đội vào sinh, ra tử trong suốt 10 năm bảo vệ cây cầu huyết mạch của đất nước, với ông có biết bao nhiêu kỷ niệm nhưng có một kỷ niệmsẽ theo ông suốt cuộc đời: “Đó là, cuối năm 1971, khi tôi đang làm công tác viết sử trên Trung đoàn bộ thì được phân công làm Trung đội trưởng một trung đội pháo, nhưng trong quyết định chẳng ghi rõ trung đội nào. Nghe trợ lý cán bộ trung đoàn nói lại, tôi được “các cụ” xếp làm Trung đội trưởng trung đội pháo của Đại đội 6 trên cao điểm 57, bờ nam cầu Hàm Rồng. Vì bận công việc viết sử chưa song, bẵng đi một thời gian, đến đêm 21/4/1972 Mỹ cho B52 ném bom rải thảm Hàm Rồng. Sáng hôm sau tôi được cử xuống trận địa Đại đội 6 để viết gương chiến đấu. Đến cao điểm 57 tôi mới biết Đại đội 6 là đơn vị thiệt hại nặng nhất, toàn bộ tiểu đội máy hi sinh, hầm trung đội trưởng bị trúng bom phạt một góc. Do chưa có Trung đội trưởng nên khẩu đội trưởng là anh Lê Văn Đoàn lên thay, đêm qua anh ấy đã hi sinh. Đây chính là vị trí mà tôi phải đảm nhận, nếu không phải vì viết sử, người hi sinh đêm ấy sẽ là tôi…” – ông Giang hồi tưởng.

Cầu Hàm Rồng ngày nay

 

Cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ cầu Hàm Rồng, nhân dân Thanh Hóa nói chung, nhân dân khu vực Hàm Rồng - Yên Vực - Nam Ngạn nói riêng đã góp một phần đặc biệt quan trọng vào thành tích to lớn ấy. Tiêu biểu như nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vượt những chặng đường đầy bom đạn để tiếp tế cho các trận địa. Tổ cứu thương Lò Cao gồm 6 cô gái băng mình qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh, tiếp đạn, lau đạn… Bất chấp máy bay địch gầm rú, ném bom đánh phá, dân công làng Hạc Oa không quản hiểm nguy tiếp đạn, cứu thương cho các trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên. Các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn, tổ chức nấu cơm đưa ra từng trận địa cho bộ đội… Đó là những hình ảnh nổi bật trong bức tranh sinh động toàn dân đánh giặc cứu nước, là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta.

Cầu Hàm Rồng được thực dân Pháp khởi công xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901 do 2 kỹ sư người Đức thiết kế và thi công. Đến năm 1904 cầu mái vòm được xây xong rộng 9m, ngày 17/3/1905 khánh thành và cho thông xe. Năm 1947 thi hành chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đại đội công binh của Trung đoàn 77 đã cùng công nhân dùng 2 đầu móc hơi nước, 4 toa xe đá đưa vào cầu cùng với 70kg thuốc nổ, phá sập cầu Hàm Rồng sau 43 năm tồn tại. Ngày 26/11/1960 cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lại. Ngày 6/10/1972, một quả bom được điều khiển bằng laser do máy bay Mỹ thả xuống rơi trúng mố cầu, hất toàn bộ cây cầu lệch nghiêng về phía thượng nguồn sông Mã. Đến năm 1973 cầu được khôi phục lại hiện trạng và sử dụng cho đến ngày nay.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh