Gia Lai: Mở lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Dược liệu
- 17:34 - 04/08/2017
Qua thực tế rà soát ở địa phương, số hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, là người dân tộc thiểu số ở Gia Lai còn khá nhiều. Nguyên nhân, một phần là do tập tục lạc hậu, phương thức canh tác chưa phù hợp, thiếu vốn... nhưng trong đó còn có nguyên nhân thiếu đất canh tác.
Chính vì vậy, sau khi có Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương triển khai rà soát và xây dựng đề án. Tuy nhiên, công việc này cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc cần có biện pháp khắc phục, tháo gỡ.
Hội nghị bàn về kinh tế, an sinh - xã hội ở Gia Lai
Đối với đất sản xuất, khi xây dựng đề án, việc xác định diện tích đất sản xuất để thu hồi từ các công ty, nông-lâm trường chưa tốt. Do đó, đến khi triển khai thì không tìm được quỹ đất để giải quyết cho hộ nghèo do các công ty, nông-lâm trường không chịu giao đất, những diện tích đất được trả lại thì xa khu dân cư, cằn cỗi. Một số huyện như: Kông Chro, Kbang, Chư Pưh, Ia Grai khi được các công ty, nông-lâm trường trả đất lại để giao cho dân thì không chuyển mục đích sử dụng đất được bởi UBND tỉnh đã có Công văn 3153/UBND-NL ngày 8/7/2016 tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ....
Tuy nhiên với quyết tâm cao – vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, với sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh cũng như các ban, ngành, địa phương Gia Lai đã tạo được sự chuyển biến khá tốt trong việc giảm nghèo cho hộ dân tộc thiểu số qua việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Trong hai năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 370 hộ với diện tích 6,21 ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 413 hộ với diện tích hơn 221 ha. Cùng với đó, tỉnh còn hỗ trợ 23.089 hộ, với tổng kinh phí hơn 95,9 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 32,1 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hơn 45,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 18,2 tỷ đồng) đạt 91,55% kế hoạch giao.
Hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo
Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề bằng hình thức chăn nuôi hoặc mua sắm nông cụ, máy móc cho hộ nghèo. Cụ thể, toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề bằng hình thức chăn nuôi cho 4.066 hộ, kinh phí hơn 68,8 tỷ đồng (hỗ trợ 3.614 con bò, 16 con trâu, 1.345 con dê, 889 con heo và sửa chữa 39 chuồng trại); hỗ trợ mua sắm nông cụ cho 395 hộ, với 351 máy móc, nông cụ các loại. Các địa phương đã triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 6.442 hộ (334 giếng nước, 85 bể nước, mua 5.784 bồn, 22 máy bơm, bắt nước máy cho 113 hộ); duy tu bảo dưỡng 220 công trình nước sinh hoạt, 11.660 hộ được hưởng lợi... với tổng kinh phí hơn 22,8 tỷ đồng.
Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo là chính sách rất phù hợp với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Thời gian tới, rất cần có những sự thay đổi cho phù hợp để chính sách này phát huy hiệu quả tốt hơn.