CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Gia Lai: Chuyển đổi cây trồng để ứng phó với hạn hán khắc nghiệt

 

Bà con chăm sóc đậu lạc

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, địa bàn hiện có 85 ha đất trồng lúa nước của 360 hộ dân không thể canh tác được do thường xuyên bị hạn hoặc nhiều năm bị đất, mùn bồi lấp. Từ năm 2015 đến năm 2018, Phòng đã phối hợp với các địa phương vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loài cây chịu hạn cho thu nhập cao hơn song chỉ được 6,8 ha. Đến nay, các mô hình này bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ tham gia, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những mô hình khả quan đang mang lại hiệu quả kinh tế là mô hình trồng chuối với sự tham gia của 8 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Kla. Mô hình này được thực hiện tại cánh đồng Ia Tâu với quy mô 2 ha, tổng kinh phí thực hiện là 100 triệu đồng, được trích từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối. Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Rah Lan Hêl (làng Sung Le Kắt) đã nhận 200 cây chuối giống về chăm sóc trên diện tích hơn 2000m2 đất vốn trước kia trồng lúa. Sau một thời gian, ông Rah Lan Hêl cũng như những hộ khác đều thấy rõ được những ưu điểm của cây chuối là không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh và không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Một ưu điểm nữa là cây chuối còn cho thu hoạch thường xuyên và khá ổn định. “Trước đây, diện tích lúa nước này thường xuyên bị hạn vào mùa nắng, ngập úng vào mùa mưa nên canh tác rất bấp bênh, không hiệu quả. Năm 2017, được lãnh đạo xã vận động, mình đã chuyển đổi sang trồng chuối. Đến nay, vườn chuối của mình phát triển tốt và đang cho thu hoạch đều đặn. Hiện nay, với mức giá dao động từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/buồng, mà luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán nên thu nhập của gia đình mình đã được cải thiện rõ rệt và đỡ vất vả hơn so với khi xưa trồng lúa nước. Ngoài ra, hoa chuối cũng bán rất chạy ở chợ để làm rau sạch, cây chuối sau thu hoạch thì làm thức ăn cho heo gà nên cũng lợi đủ đường”, ông Rah Lan Hêl chia sẻ.

Theo ông Ksor Kre-Chủ tịch UBND xã Ia Kla, giờ đây bà con đều thấy việc trồng chuối trên đất lúa kém hiệu quả cho ra giá trị kinh tế cao hơn trước nhiều lần. Song lúc triển khai, ngoài phong tục tập quán, bà con e ngại, hoài nghi nhất là đầu ra cho sản phẩm nên chưa chuyển đổi được nhiều. Nhận thấy điều này, xã đã chủ động làm việc với các đơn vị có khả năng bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ người dân. Hiện nay, do đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm nên bà con cũng đã mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi.

Cùng với mô hình trồng chuối, mô hình 1 ha đậu phụng với 5 hộ ở làng Pnuk, xã Ia Kriêng tham gia, tổng kinh phí thực hiện 52 triệu đồng. Hiện các hộ dân đã thu hoạch với sản lượng đạt 2,5 tấn hạt tươi/ha. Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, anh Rah Mah Bri cho biết, những năm trước, gia đình anh trồng lúa nhưng thu hoạch được rất ít vì cây lúa bị thiếu nước nên năng suất thấp. Cuối năm 2018, được địa phương tạo điều kiện, anh được tập huấn về quy trình kỹ thuật, cấp giống đậu phụng và phân bón các loại. Đến nay, gia đình anh đã thu hoạch được 5 tạ đậu phụng trên diện tích 2 sào đất. "Hiện tại, giá đậu phụng là 20.000 đồng/kg, gia đình mình thu được 10 triệu đồng. Mình thấy trồng đậu phụng mang lại thu nhập ổn định và đỡ cực hơn trồng lúa nên sẽ tiếp tục mở rộng”, anh Rah Mah Bri nói.

Vườn chuối trong mô hình chuyển đổi

Ngoài đậu phụng và chuối, để giúp người dân có thêm thu nhập trên diện tích lúa bị hạn, trong năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ đã tham mưu để huyện mở rộng thêm một số mô hình như trồng rau, thanh long, khoai lang, bắp, cỏ voi, cà chua, chanh dây... Qua theo dõi, Phòng nhận thấy các mô hình chuyển đổi đều tương đối phù hợp với thổ nhưỡng và có tính khả thi cao. Ông Trịnh Văn Thành-phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, trước thực trạng hạn hán ngày càng khắc nghiệt, địa phương đã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang một số loài cây chịu hạn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn để người dân không bỏ đất. "Hiện chủ trương này đang được người dân đồng tình ủng hộ nên đây sẽ là cơ sở để địa phương đẩy mạnh chuyển đổi trong thời gian tới thông qua các mô hình đã phát huy hiệu quả", ông Thành cho hay.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh