THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:00

Gia Lai: Buông lỏng quản lý tiền hỗ trợ chống hạn của chính phủ?

 


 Dân phản ứng dữ dội là có cơ sở

Theo thống kê hạn hán tại khu vực Tây Nguyên đã làm 95.000 héc ta cây trồng thiếu nước tưới và làm thiệt hại nặng nề tới đời sống của người dân khu vực này.

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định (QĐ), hỗ trợ kinh phí cho khu vực Tây Nguyên nhằm chống hạn hán và khắc phục hạn hán trong giai đoạn 2015-2016 Tổng số tiền 108,2 tỉ đồng cho 4 tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, Lâm Đồng 14,7 tỉ, Đắk Nông 18,6 tỉ, Đắk Lắk 57 tỉ và Gia Lai 17,9 tỉ.

Quyết định của Chính phủ là vô cùng đúng đắn và cần thiết, nhưng khi số tiền này khi chuyển về cấp cơ sở để hỗ trợ cho người dân thì còn nhiều bất cập và buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng không công bằng gây bức xúc trong nhân dân.

 

Người dân thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng bức xúc trao đổi với phóng viên.

 

Theo phản ánh của rất nhiều hộ dân: Thôn Đoàn Kết, xã Chư Pơng, Chư Sê, Gia Lai, có 79 hộ có hộ khẩu trên địa bàn và 26 hộ từ nơi khác đến xâm canh. Nhưng tất cả 105 hộ này nhà nào cũng thực hiện nghĩa vụ đầy đủ khi đóng thuế và các khoản đóng theo quy định đối với quy định của thôn, xã và nhà nước. Nhưng khi tiền của Chính phủ về để hỗ trợ chống hạn hán cho dân thì họ không được thông báo và cũng chẳng biết tiền những người được nhận là tiền gì, hỏi ra họ mới biết đó là tiền hỗ trợ hạn hán của chính phủ.

Có rất nhiều hộ dân bức xúc đến gặp PV để phản ánh, ông Nguyễn Cảnh Tiến - một người dân cho biết: Ở thôn ai được nhận tiền gì và danh sách nhà nào được hỗ trợ tôi và bà con ở đây không hề biết, thấy họ đi nhận tiền về báo lại tôi mới lên xã hỏi ông Phó chủ tịch UBND xã Lê Đình Dương, ông ấy nói về đi thứ 4 ngày 10 tháng 8 lên giải quyết. Sau đó tôi không biết phải hỏi ai và tìm hiểu thông tin ở đâu nên đành đi về.

Cùng là người dân trong thôn Đoàn Kết, chú Võ Văn Miên, Võ Văn Quyền, Lê Hoàng Lân, và ông Lê Văn Tào thuộc gia đình chính sách vườn cà phê của gia đình ông cũng bị thiệt hại do nắng hạn như những hộ khác có cùng ý kiến: Cán bộ thôn có tới 8 người vậy mà chính sách của Chính phủ bà con không được được biết, chả ai thông báo cho chúng tôi về việc này cả, khi họ (những hộ được nhận tiền) về thì chúng tôi mới vỡ lẽ ra là tiền Chính phủ hỗ trợ chống hạn. khi được xem qua danh sách chúng tôi còn nhận ra nhà ít đất, ít cây cà phê nhưng lại được nhận tiền nhiều hơn nhà nhiều cây bị thiệt hai.

Một số vườn tiêu chết vì hạn nhưng không nhận được tiền hỗ trợ.

Ngoài ra anh Lê Hoàng Lân còn cho biết thêm: cả xã có 10 hộ do kế toán và người lập danh sách ghi sai tên, đến khi được đi nhận tiền thì cô cán bộ địa chính xã tên là Hằng không cho nhận tiền và cũng chẳng hướng dẫn cho tôi điều chỉnh tên ở đâu. Tôi cũng không biết vì sao sai tên nhưng có một điều là có ai họp dân, hay bình xét gì đâu mà họ lên danh sách cho chính xác được(!?).

Trong buổi trao đổi với phóng viên còn có bác Lê Anh Khuê - Trưởng ban Mặt trận thôn, bác Khuê cho biết: Tôi là cán bộ thôn nhưng về việc này xã cũng chẳng cho tôi biết và ban thôn cũng chẳng cho biết gì. Nhà tôi cũng như rất nhiều nhà khác (trong đó có nhiều gia đình chính sách) có vườn cà phê bị thiệt hại nhưng không được hỗ trợ nên chúng tôi rất bức xúc.

Còn ông Vũ Văn Thìn - Bí thư chi bộ thôn cho biết: Vấn đề này tôi chẳng được biết gì và cũng chẳng thông báo cho tôi và bà con, họ cứ coi tôi như người ngoài cuộc.

 Ông Nguyễn Văn Mậu - phó thôn chia sẻ: Nhà tôi có trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ, nhưng chính tôi là lãnh đạo thôn khi được nhận tiền mới biết đó là tiền Chính phủ hỗ trợ. Họ chẳng họp hành thông báo gì cả, tôi là lãnh đạo thôn không biết lấy gì bà con họ được biết.

Những ý kiến trong thôn đều cho biết: Ông Vũ Trường Giang - Hội trưởng Hội nông dân thôn tự lập, khi dân hỏi thì ông Giang nói là danh sách chỉ lập cho những người tham gia Hội nông dân mà thôi.

Sau khi trao đổi, tất cả các hộ dân đều có chung một kiến nghị: Phải cho dân biết tiền các hộ dân được hưởng là tiền gì? tiêu chí để được hưởng là như thế nào? xem xét công khai hay là quyền của ai được lập danh sách? cách tính thiệt hại như thế nào? tại sao cà phê của dân chết không được hỗ trợ mà trưởng thôn, phó thôn và một số lãnh đạo thôn cà phê không ảnh hưởng nhiều lại đươc hưởng? Chúng tôi đề nghị phải có danh sách công khai, phải họp và công bố và đánh giá chính xác mức độ thiệt hại để được hưởng tiền hỗ trợ một cách công bằng.

Có hay không việc buông lỏng quản lý

Đem những thắc mắc của dân về vấn đề này trao đổi với bà Rlan H’Lang- Chủ tịch UBND xã Chư Pơng, bà H’Lang cho biết: Sau khi xã nhận được công văn của Phòng Nông nghiệp huyện, tôi đã trực tiếp giao cho ông Lê Đình Dương - Phó Chủ tịch UBND xã và ông Dương đã làm Công văn gửi cho các thôn để thực hiện việc này. Sau đó cán bộ Nông nghiệp xã lấy danh sách từ Hội nông dân xã, Hội nông dân xã lấy danh sách từ Chi hội nông dân của thôn gửi lên. Sau khi có danh sách thì ở Thôn Thanh Hà và Thôn Đoàn Kết một số hộ dân biết chuyện nên có thắc mắc, tôi đã cho gọi 2 anh Chi hội trưởng ở 2 thôn này lên và họ đã cam kết là chịu trách nhiệm về danh sách này là đúng. Vì vậy tôi đã ký chuyển danh sách lên Phòng Nông nghiệp huyện để cấp phát tiền hỗ trợ cho bà con.

 

 

Thực ra công văn của ông Phó chủ tịch xã thì có ban hành nhưng không đến được người dân và trong công văn cũng chẳng nêu rõ là phải họp bàn cho dân biết, công khai cho dân biết. Cán bộ xã phó mặc cho thôn muốn làm gì thì làm, chọn ai thì chọn? Bản thân Chủ tịch xã cũng không đi kiểm tra xem việc thực hiện ra sao? Có đúng đối tượng hay không mà đã vội vàng ký chuyển danh sách để xảy ra nhiều bất cấp trong việc hỗ trợ tiền của chính phủ!?

Để rõ hơn về việc cấp phát tiền hỗ trợ hạn hán cho xã Chư Pơng, chúng tôi ra liên hệ với ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê để được biết về quy trình, kiểm tra, rà soát những gia đình được hỗ trợ như thế nào? Nhưng ông Hợp nói là phải xin ý kiến chỉ đạo của ông Trần Văn Lam - Chánh văn phòng UBND huyện mới được phép trả lời. Khi liên lạc với ông Lam bằng điện thoại ông Lam nói đang bận họp, có gì trao đổi sau. Chúng tôi đợi mãi tới cuối giờ chiều ông Lam mới ra và trả lời rằng: "Hiện huyện đã nhận được thông tin và đã cử đoàn Thanh tra huyện xuống xã để làm việc về vấn đề này. Ngày mai 5/8 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh cũng xuống kiểm tra rồi. Vì vậy cứ từ từ rồi huyện sẻ giải quyết và trả lời sau. Còn bây giờ từ từ hãy viết".

Từ câu chuyện này mới thấy, Chính sách hỗ trợ chống hạn cho dân là vô cùng đúng đắn để kịp thời cứu lấy cây tiêu, cây cà phê cũng như cứu lấy đời sống của nông dân vùng bị hạn hán. Nhưng với cái cánh phát tiền hỗ trợ của xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai thì không thể chấp nhận được. Vì còn nhiều khuất tất đang còn tồn tại ở nơi đây. Qua đây chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền có liên quan phải điều tra làm rõ những vấn đề bà con đã kiến nghị một cách công tâm và nhanh chóng để tiền hỗ trợ của Chính phủ đến đúng những hộ dân được hưởng.

NGỌC ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh