THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Già hóa dân số và những thách thức

Tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia về dân số của Việt Nam cũng như các chuyên gia về dân số quốc tế đều cho rằng: Có thể tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Như vậy, mục đích duy trì giai đoạn dân số vàng trong khoảng 25 - 30 năm sẽ bị rút ngắn lại, điều đó sẽ tạo ra rào cản để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng lại phải ưu tiên đầu tư cho chính sách an sinh xã hội nhiều hơn do tỷ lệ người cao tuổi tăng lên.

Còn theo báo cáo về “Vấn đề thất nghiệp và việc làm năm 2014” của tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Tính đến 1/7/2014, dân số Việt Nam đạt 90.659.000 người. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 9,4% năm 2010 lên 10,4% năm 2013 và đạt 10,46% vào quý 2 năm 2014. Số liệu này cho thấy Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Theo dự báo của các chuyên gia dân số thì tỷ lệ người già ở nước ta tiếp tục tăng qua các năm: Đến năm 2020 tỷ lệ người già sẽ đạt 12,4% dân số, năm 2030 là 15,8%, năm 2040 là 20,8% và đến năm 2050 thì tỷ lệ người già sẽ gấp 3 lần hiện nay.

Già hóa dân số sẽ tạo ra các thách thức về kinh tế, xã hội và văn hóa ở các cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội trên phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thách thức lớn nhất, đó  là thay đổi cơ cấu lao động, tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao (từ 45 đến dưới 60 tuổi) sẽ tăng lên và tỷ lệ dân số gia nhập thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi; và như vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế, cũng như nhiều nước phát triển, chúng ta phải sử dụng lao động già hơn (đồng nghĩa với việc tăng tuổi nghỉ hưu). Nhìn ở góc độ kinh tế, thì già hóa dân số và dân số già có ảnh hưởng kép đến nền kinh tế của quốc gia và toàn cầu.

Thách thức thứ 2, Nhà nước phải tăng cường đầu tư lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia, mà tập trung chủ yếu là đảm bảo các phúc lợi cơ bản cho người già.

Trong khi kinh tế chững lại mà phải tăng cường đầu tư một khoản ngân sách đáng kể cho phúc lợi xã hội thì thực sự là một thách thức lớn. Chúng ta phải cải thiện một cách cơ bản hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới an sinh xã hội, tăng cường nguồn lực, thiết lập thêm các thiết chế và mở rộng các chế độ chăm sóc xã hội mới đáp ứng được nhu cầu của thực trạng già hóa dân số và dân số già.

Thách thức thứ 3, tiềm ẩn trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư về văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống trong ứng xử, khi mà các quan niệm và nhận thức khác nhau giữa các thế hệ trở nên phổ biến thì cách ứng xử giữa các thế hệ sẽ có những thay đổi. Hiện nay chúng ta đang thấy hiếm dần đi số lượng các gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường” mà chủ yếu là tổ chức gia đình hạt nhân. Có thể người già trong tương lai lại phải sống “cô đơn” trong khi có rất nhiều con, cháu hoặc phải sống trong các trung tâm dưỡng lão.

“Kính già, yêu trẻ” là truyền thống xưa nay của dân tộc Việt Nam. Như một quy luật, xã hội càng phát triển thì tuổi thọ con người càng cao và lẽ đương nhiên, quy mô dân số già sẽ tăng lên. Một xã hội phát triển và văn minh cũng yêu cầu phải ứng xử với người già tốt hơn. Các con, các cháu có ông, bà, bố mẹ sống thọ cũng cảm thấy đầm ấm, hạnh phúc hơn.

Nhìn tổng quát dưới góc độ nhân văn, kinh tế và vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho con người nói chung và người già nói riêng, ở bất cứ giai đoạn phát triển nào thì mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và Nhà nước đều phải chung tay chia sẻ trách nhiệm.       

TRẦN XUÂN KỲ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh