CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:08

Già hóa nhân lực trong ngành cơ khí chế tạo

Yếu và thiếu đủ thứ

Theo Tổng cục Thống kê, 50% số cơ sở cơ khí ở Việt Nam chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại chủ yếu chuyên sửa chữa. Nhu cầu về máy và thiết bị đến năm 2020 và những năm tiếp theo khá lớn. Về CNHT, hiện cả nước có 1.383 doanh nghiệp, trong đó khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho ngành sản xuất ôtô, xe máy, điện tử. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá việc phát triển ngành CNHT tại Việt Nam đến nay vẫn chỉ là tiềm năng.

Thực trạng tỷ lệ nội địa hóa trong CNHT hiện đang thấp, hầu hết nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh kém. Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có thể thấy rõ điều này trong CNHT sản xuất ôtô. Mục tiêu đề ra về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng con số thực đạt cho đến nay mới chỉ khoảng 7- 10%. Về cơ bản, Việt Nam mới chỉ sản xuất được vài loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, săm, lốp, sản phẩm nhựa...

“Còn đối với ngành dệt may, nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu. Sợi bông, nguyên liệu chính của ngành dệt phải nhập khẩu đến 97 - 98%, tỷ lệ nhập khẩu vải là 70 - 75%. Nguyên nhân chính gây tắc nghẽn trong ngành là chưa làm ra được nguồn nguyên liệu vải”. Ông Nguyễn Sỹ Phương, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dẫn chứng thêm.

Sự yếu kém của CNHT và cơ khí, chế tạo Việt Nam được xác định là do hầu hết doanh nghiệp đều thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiết bị lạc hậu, sản xuất manh mún. Một nguyên nhân quan trọng không kém là thiếu nhân lực chất lượng cao, kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề...

Cán bộ có trình độ hầu hết ở độ tuổi cao

Theo các chuyên gia, có một thực tế đau đầu là lực lượng cán bộ khoa học có trình độ hầu hết ở độ tuổi cao, lực lượng công nhân chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, khả năng tiếp nhận các kiến thức công nghệ hiện đại rất hạn chế. Về điều này ông Phương cho biết: “Nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong ngành dệt may hầu như chưa được đáp ứng vì việc đào tạo cần nhiều thời gian và chi phí. Dệt nhuộm là khâu yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao nhất. Đào tạo ra một người làm dệt nhuộm có tay nghề tốt phải mất 2- 3 năm; trong khi Nhà nước chỉ có chính sách hỗ trợ đào tạo ngắn hạn, tức chỉ đào tạo lao động có tay nghề chứ chưa hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao”.

Tập trung đầu tư nhân lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho rằng, hiện cơ chế, chính sách cán bộ trong hoạt động KH&CN còn nặng về hành chính hóa, làm giảm khả năng khuyến khích, phát huy sức sáng tạo. “Tình trạng này làm mất dần khả năng thu hút cán bộ có năng lực vào làm việc trong lĩnh vực KH&CN, khó thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Việt Nam cũng thiếu chính sách tạo điều kiện để các nhà khoa học trong nước giao lưu, hợp tác và làm việc ở các trung tâm khoa học lớn trên thế giới”, ông Hậu phân tích.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Diezen Sông Công  chỉ ra một thực tế: Trong quá trình sản xuất, Cty Sông Công là nơi có nhiều đề tài KH&CN được thực hiện và khi thực hiện Cty mong muốn những đề tài đó được quay lại và phát triển thành sản phẩm, nhưng cho đến nay rất hiếm những đề tài đấy được quay trở lại phục vụ cuộc sống.

Để đạt được mong muốn này, theo ông Nguyễn Đình Hậu, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất cao giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các cơ chế chính sách; lựa chọn và xây dựng thí điểm doanh nghiệp tiên phong có đủ năng lực, tiềm lực để hỗ trợ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, các sản phẩm quốc gia thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; chú trọng ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các dự án FDI phục vụ phát triển sản xuất của ngành cơ khí chính xác, vật liệu phụ trợ cho ngành ô tô, điện tử, dệt - may, da - giầy...

Để khắc phục, Bộ KH&CN sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên kết lực lượng nghiên cứu và phát triển KH&CN với đơn vị sản xuất kinh doanh; đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chủ chốt. “Dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng được 3 - 5 phòng thí nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt trình độ khu vực và thế giới thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, thiết bị điện, dệt - may, da - giày... và kỳ vọng đây sẽ là nhân tố thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Hậu cho biết.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh