CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:31

Gia đình người Dao truyền đời bảo vệ cột mốc biên cương

Gương sáng vùng biên 

Trong căn nhà gỗ đơn sơ ở bản Suối Tút, năm nay cụ Phan Định Xiết đã bước sang cái tuổi 73, nhưng dáng người vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn thỉnh thoảng ông vẫn băng rừng lội suối đi thăm cột mốc như thời trai trẻ.

 

Cụ Xiết (ngồi giữa) kể lại chuyện với phóng viên

 

Nhớ lại những ngày đầu khai hoang lập bản cụ Xiết kể: “Từ năm 1975, tôi cùng một số hộ dân người Dao đã về dưới chân núi Pù Quăn khai hoang lập ra bản Suối Tút. Ngày ấy mọi thứ còn hoang sơ, hiu quạnh. Dần dần nương rẫy được phát quang, rừng xanh như được thay lá. Tôi đã cùng dân bản và các anh Bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới. Những năm đó còn khó khăn nhiều lắm! Nhưng cũng chính vì khó khăn đó, lại được sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng mà tôi và người dân trong bản có thêm sức mạnh để bám bản", cụ Xiết hồi tưởng.

Nói về những năm tháng năm luồn rừng trông coi cột mốc nơi biên giới, cụ Xiết cho biết năm 1980, khi cột mốc G6 được xây dựng, một người họ hàng của ông là ông Tặng Phú Minh nhận nhiệm vụ trông coi. Khi ông Minh qua đời, phần việc này được ông Xiết tình nguyện đảm nhận.

“Tôi bắt đầu bảo vệ cột mốc G6 từ năm 1992 (nay thuộc vị trí cột mốc 287). Sau này cột mốc G6 được chia thành các cột mốc 285, 286, 287, tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ trông coi ba cột mốc trên. Nhà tôi có sáu người con, ba trai, ba gái. Các con đều tham gia công tác xã hội rất tích cực. Những năm gần đây khi tuổi đã cao sức yếu nên tôi đã giao lại việc trông coi cột mốc cho con trai thứ hai tên là Phan Văn San, nó là phó bản, lại là công an viên nên việc tuần tra, canh gác, rồi bảo vệ cũng dễ hơn..”.

 

Cụ Xiết bên cột mốc (ảnh Lê Hoàng)

 

Đại úy Lâu Văn Lâu – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết thêm: “Địa bàn quản lý của đồn dài 45 km với 22 cột mốc biên giới trải dài qua hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Hiện nay 22 cột mốc trên đang được giao cho các hộ dân tiến hành trông coi. Những người trông coi cột mốc nhiều năm bên cạnh cụ Xiết còn có cụ Lâu Văn Hự ở bản Pù Đứa. Với khả năng thuyết phục, cộng với am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là người có uy tín trong cộng đồng, cụ Xiết còn trực tiếp tuyên truyền, vận động con cháu và người dân trong cộng đồng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn. Năm nay, sức khỏe không cho phép nên cụ Xiết đã bàn giao lại việc bảo vệ đường biên, cột mốc cho các con.

Cha truyền, con nối bảo vệ biên cương

Cột mốc G6 là nơi phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Để đến được cột mốc này phải băng qua hơn 5 km đường rừng với vô số đèo cao, suối sâu hết sức khó khăn, hiểm trở.

Như lời cụ Xiết kể, trước đây, mỗi khi đi kiểm tra nếu thấy cột mốc bị sứt mẻ, cụ lại cẩn thận cất từng mảnh vỡ vào túi áo rồi mang về giao lại cho cán bộ biên phòng. Nhận thấy việc trông coi cột mốc là một vinh dự lớn được Tổ quốc giao cho gia đình, trong suốt gần 30 năm qua, cụ Xiết nhận nhiệm vụ trông coi cột mốc biên giới mà không ngại gian khó, ngại khổ. Cứ mỗi tháng hai lần, ông lại băng rừng lên thăm mốc.

Mỗi lần như vậy, ông phải dậy từ sáng sớm, nai nịt gọn gàng, nắm cơm mang theo. Cụ cứ vạch rừng mà đi, leo hết dốc này tới dốc khác. Khi đôi chân đã mỏi nhừ, mặt trời lên cao là tới mốc. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của cụ Xiết là phát quang cỏ dại, kiểm tra thông tin trên cây cột mốc và ghi chép những điều bất thường để về báo cáo bộ đội biên phòng. Hành trang băng rừng của cụ chỉ vỏn vẹn con dao quắm nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn dọc đường.

 

 Một góc bản làng vùng cao huyện Mường Lát

 

Cụ Xiết chia sẻ: “Vì là cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc nên mình phải trông coi cẩn thận, đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, ta cảm thấy bình thường thôi nhưng cái ý nghĩa, mức độ lại hết sức lớn lao vì nó là cột mốc thiêng của tổ quốc. Mình nằm sát biên giới, đồn biên phòng lại xa, bản làng lại ở sát cột mốc biên giới nên đồn giao cho bản trông coi. Trước kia, việc trông coi là vất vả lắm, nhiều dốc, lắm vắt, mùa mưa thì khó khăn. Khi tuần tra cột mốc nếu phát hiện xung quanh có lá cây sẽ tiến hành quét dọn, phát quang xem cạnh cột mốc có bị sứt, hư hỏng hay bị dịch chuyển, nếu bị hư hỏng hoặc dịch chuyển mình phải báo báo lại ngay cho cán bộ đồn biên phòng để cùng bảo vệ. Giờ tôi sức yếu, chẳng thể thường xuyên trèo đèo, lội suối vượt rừng lên thăm cột mốc như trước nữa nhưng nhiều hôm nhớ rừng, nhớ cột mốc tôi lại cùng con rẽ rừng, vượt đèo, vượt dốc lên thăm. Vừa là để thăm cột mốc, vừa là chỉ bảo cho con biết tầm quan trọng của cột mốc biên cương mà thay tôi chăm nom, giữ gìn nó…”.

Anh Phan Văn San – con trai cụ Xiết chia sẻ: “Bố Xiết đã cao tuổi, không đi được nên bố đã lại giao lại việc trông coi cột mốc cho các con. Giờ mình thay bố trông coi cột mốc đó cũng là việc làm hết sức vinh dự, nó xuất phát từ tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, là tình yêu với quê hương đất nước, với bà con dân bản nơi đây…”.

 

Tuyến biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn kéo dài 192 km; tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện biên giới gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân, có 16 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn (Lào) gồm: Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ. Địa hình các khu vực đường biên giữa hai tỉnh chủ yếu là rừng, núi độ dốc lớn xen kẽ giữa sông, suối rất phức tạp. Trong những năm qua tại 16 xã biên giới công tác bảo vệ, giữ gìn cột mốc đã được các già làng, người có uy tín, trưởng bản, bí thư chi bộ của 150 bản quan tâm tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc cùng tham gia, đã có 56 già làng tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 56 cột mốc trên tổng số 88 vị trí cột mốc quốc giới.

TƯỜNG LÂM - LÔ GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh