THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:19

Thanh Hóa: “Nóng” xuất khẩu lao động chui

 

Chưa bao giờ hết nóng…

Nếu như trước đây, ở Thanh Hóa số người qua Trung Quốc “làm chui” chủ yếu chỉ tập trung ở các huyện ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa... thì hiện nay tại 27 huyện thị, thành phố ở Thanh Hóa đều có người sang Trung Quốc lao động trái phép. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chưa bao giờ tình trạng lao động chui lại nóng đến như vậy.

 

Công an huyện Hậu Lộc tuyên truyền, vận động công dân không đi lao động trái phép

 

Thống kê từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, từ năm 2016 trở về trước, trên địa bàn tỉnh có hơn 14.500 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong đó, đã có hơn 2.100 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, đẩy đuổi về nước; 22 trường hợp bị bắt và đưa ra xét xử về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; 28 trường hợp bị tai nạn, chết; nhiều gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chuộc và đưa thi thể về mai táng; nhiều trường hợp phụ nữ sang lao động bị mất tích. Đến trước tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có hơn 9.800 người đã về nước, hiện vẫn còn hơn 2.600 người đang lao động trái phép tại Trung Quốc.

Sau Tết Nguyên đán tình trạng xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc tiếp tục “nóng”. Lực lượng công an đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật. Cụ thể, ngày 6/3, Công an huyện Cẩm Thủy cũng đã bắt quả tang Nguyễn Thị Hồng (SN 1993) và chồng là Hoàng Quốc Tuấn (SN 1990) trú tại thôn Quý Lâm, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang có hành vi tổ chức đưa 4 công dân xã Cẩm Quý và Cẩm Giang đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Kết quả điều tra xác minh, cả 4 công dân đều thừa nhận hành vi chuẩn bị bắt xe khách lên Lạng Sơn để xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc.

Công an huyện Hậu Lộc cũng phát hiện, bắt giữ đối tượng Phạm Văn Hùng (SN 1996) ở xã Hưng Lộc về hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Phạm Văn Hùng vốn là một lao động trái phép nhiều năm ở Trung Quốc. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Hùng tiếp tục về quê để tìm kiếm và lôi kéo thêm một số công dân khác chuẩn bị xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái pháp luật thì bị Công an huyện Hậu Lộc phát hiện, bắt giữ.

Ngày 13/3, Công an huyện Thạch Thành đã điều tra, làm rõ và bắt giữ đối tượng Hoàng Huy Tuấn (SN 1983) ở xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành về hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Sau khi về quê ăn tết, từ đầu tháng 3/2018 đến nay Tuấn đã rủ rê, lôi kéo và tổ chức cho 26 công dân thuộc các xã Thành Vinh và Thành Mỹ, huyện Thạch Thành sang Trung Quốc lao động thì bị bắt giữ.

Ngày 15/3, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Hà Trung đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 2 xe khách chở 12 công dân thuộc các xã Hà Tân, Hà Toại, Hà Tiến đang chuẩn bị xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc...

Bỏ mạng nơi xứ người

Hầu hết số lao động chui sang Trung Quốc làm ăn đều có điều kiện gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, không có việc làm, nghề nghiệp không ổn định.

Được biết những người lao động Việt Nam muốn vượt biên qua Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo 4 cửa khẩu chính: Cửa khẩu Chi ma (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cao Bằng, Lào Cai. Trong đó, đi nhiều nhất là 2 cửa khẩu Chi ma và Móng Cái. Nếu muốn qua Trung Quốc làm việc, người đi chỉ phải bỏ ra khoảng từ 3-6 triệu đồng cho môi giới. Khi vượt qua được cửa khẩu trót lọt, người lao động được môi giới bên phía Trung Quốc đưa đến các vùng sản xuất hàng tiểu thủ công ngiệp, may mặc… để làm việc và tất nhiên những người lao động sẽ chẳng biết nơi mình làm việc ở đâu.

Chị Nguyễn Thị Hải ở Tam Quy 1, xã Hà Tân, huyện Trung – một trong những lao động bị công an phía Trung Quốc bắt giữ, trục xuất về nước cho biết: Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đầu năm 2016, nghe theo lời rủ rê, chị cùng với gần 10 chị em trên địa bàn xã bắt xe đi Quảng Ninh để sang Trung Quốc làm thuê. “Sau khi bắt xe lên Quảng Ninh, mấy chị em cùng với người dẫn đường vượt sông ở biên giới sang Trung Quốc. Sau khi vượt biên trót lọt, chúng tôi được một người không quen biết phía bên kia biên giới đón sẵn để đưa vào các vùng sản xuất. Sang bên đấy, không chỉ có mấy anh chị em chúng tôi mà còn có rất nhiều người địa phương ở Thanh Hóa và các tỉnh khác cũng sang để làm thuê”.

Theo như lời chị Hải, sang đến đất Trung Quốc chị được đưa vào làm ở tại một xưởng sản xuất hoa, lá giả, nhưng cũng chỉ làm được một thời gian ngắn chị cùng mấy người cùng quê bị công an Trung Quốc truy quét, bắt giữ. “Bình quân mỗi ngày tôi làm việc hơn 10 giờ, thời gian còn lại cũng chẳng dám đi đâu vì không có giấy tờ hợp pháp. Làm việc được hơn 3 tháng chúng tôi bị công an Trung Quốc bắt giữ, nhốt vào trại tạm giam. Ở trại tạm giam hơn 1 tháng chúng tôi bị chuyển sang trại của biên phòng Trung Quốc. Sau đó biên phòng Trung Quốc đưa chúng tôi đến biên giới Lạng Sơn rồi mọi người tự về. Cũng may về đến Việt Nam được mọi người giúp đỡ, sau đấy mấy chị em xin đi nhờ xe để về quê. Bây giờ về quê rồi, dù thu nhập có thấp hơn nhưng tôi sẽ không đi nữa…” – chị Hải kể.

Không may mắn như chị Hải, nhiều trường hợp khác phải bỏ mạng nơi xứ người khi xuất cảnh lao động chui. Thiếu tá Hà Văn Hải – Phó trưởng Công an huyện Hậu Lộc cho biết: Trong năm 2017 tại Hậu Lộc đã xảy ra tình trạng một công dân đi xuất cảnh trái phép tại Trung Quốc tử vong. Do không có giấy tờ hợp pháp nên mọi quyền lợi đều không được hưởng. Để đưa được thi thể về, gia đình nạn nhân phải bỏ ra một số tiền rất lớn. Trong khi đó, hầu hết các gia đình điều kiện kinh tế khó khăn nên đây là một tổn thất lớn. Bên cạnh đó nó còn ảnh hưởng lớn đến an ninh, chính trị, ngoại giao…

Vẫn biết, tìm việc làm nâng cao thu nhập là nhu cầu chính đáng của người dân nhưng làm sao để tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định, giữ chân người lao động vẫn luôn là một bài toán khó của Thanh Hóa?

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh