Tuy nhiên, tháng 01/2017 có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: mặt bằng lãi suất ổn định; nguồn cung hàng hoá trong nước vẫn dồi dào; các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kiểm soát vấn đề kê khai giá và niêm yết giá, các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện...
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý giá dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2017 sẽ tăng nhẹ so với tháng trước.
Nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Đậu 2017, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra giá thị trường tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Kết thúc việc kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại 02 tỉnh miền Trung gồm Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trong các ngày từ 9 – 12/1/2017 vừa qua, Cục Quản lý giá cho biết, về cơ bản cả 2 địa phương đều đã có chỉ đạo theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân; kết hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với hàng hóa thiết yếu; kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong đó, tại Thừa Thiên Huế, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tỉnh đã giao cho 3 doanh nghiệp kinh doanh có năng lực dự trữ 3 loại mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường. Số lượng cụ thể gồm: 50 tấn đường, 50.000 lít dầu ăn, 50 tấn thực phẩm tươi sống với hình thức hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm dự trữ, trên giá vốn hàng dự trữ và hỗ trợ các chi phí có liên quan. Thời gian dự trữ 03 tháng (từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/3/2017).
Đồng thời, các doanh nghiệp dự trữ cam kết bán theo giá đã đăng ký giá bình ổn với Sở Công Thương trên cơ sở mức giá đã được Sở Tài chính thẩm định. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp khoảng 6,3 tỷ đồng. Ước tính giá trị hỗ trợ khoảng 180 triệu đồng. Kế hoạch tổ chức 13 đợt bán hàng bình ổn thị trường kết hợp Chương trình đưa hàng Việt về phục vụ bà con nhân dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai.
Tại Đà Nẵng, tính đến nay các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố đã chủ động đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết, với tổng giá trị trên 803 tỷ đồng, trong đó, mặt hàng thiết yếu là hơn 300 tỷ đồng, còn lại là các mặt hàng tiêu dùng khác.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cho phép Công ty TNHH Đắc Vinh tạm ứng vốn 4 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và không tính lãi suất trong 60 ngày để mua dự trữ nguồn hàng tương ứng với 35 tấn thịt lợn thành phẩm bán phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Công ty đang triển khai 13 điểm bán thịt tập trung cố đjnh tại các chợ và 2 xe bán hàng lưu động phục vụ các điểm nóng, khu đông dân cư, với giá bán bình ổn thấp hơn từ 10-15% so với giá thị trường tại thời điểm bán từ ngay 22- 27/01/2017.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty Quản lý hội chợ, triển lãm và các chợ Đà Nẵng tạo điều kiện về mặt bằng để bố trí lô, quầy bán thịt bình ổn thông suốt. Công ty Thực phẩm Vissan cũng đang tổ chức nhiều điểm bán hàng tại các chợ lớn.
Trong những ngày tới, Công ty TNHH Dịch vụ siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cũng sẽ đưa hàng về bán tại trung tâm hai xã miền núi (xã Hòa Phú và xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang). Theo đó, mỗi địa điểm tổ chức 1 chuyến xe lưu động về phục vụ các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng tổ chức 2 phiên chợ Tết phục vụ công nhân tại hai khu công nghiệp Hòa Cầm và An Đồn. Dịp này, Sở Công thương tổ chức Hội chợ Xuân 2017 để phục vụ người dân tham quan, mua sắm.
Các chợ lớn trên địa bàn đã tăng công suất phục vụ gấp 2-3 lần so với ngày thường. Lượng hàng tiêu thụ đang rất lớn nên tiểu thương vừa bán, vừa nhập hàng về liên tục, không lo khan hiếm hàng.
Trong tháng bán hàng khuyến mãi vừa qua, các doanh nghiệp đã tổ chức thành công hơn 1.000 chương trình khuyến mãi với doanh số bán ra hơn 100 tỷ đồng, nhằm kích cầu tiêu dùng, giãn thời gian mua sắm ồ ạt vào một thời điểm sẽ khiến giá cả “đội” lên cao.