CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:18

Dồi dào hàng Tết

Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng phục vụ dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Ảnh: Thanh Hải

Chuẩn bị 15.000 tỷ đồng hàng Tết

Sở Công thương Hà Nội cho biết đã triển khai kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2015 và tết Bính Thân 2016; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và DN sản xuất, phân phối hàng hóa trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác này. Đến nay, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch trữ hàng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng đón tết Bính Thân với tổng giá trị tiền hàng khoảng 2.566 tỷ đồng. Các DN sẽ triển khai bán hàng bình ổn tại 1.164 điểm tại các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Ngoài ra, Sở Công thương tiếp tục tổ chức "Tuần hàng Việt" trên địa bàn các quận, huyện; mỗi "Tuần hàng Việt" diễn ra trong 7 ngày với quy mô khoảng 40 gian hàng của 28-35 DN, cơ sở, hộ SXKD tham gia trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt, giá hợp lý; tổ chức các phiên chợ Việt, chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Từ mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, các DN SXKD, các làng nghề trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 10-15% so với các tháng thường trong năm, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội năm 2016, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Hiện, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng hơn 2.700 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố tập trung SXKD nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, miến… với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng... Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.

 

Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội), các mặt hàng buôn lậu chủ yếu trong dịp cuối năm và Tết thường là thuốc lá, rượu, bia, hàng may mặc, da giày, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh… Hàng hóa được vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội rồi xé lẻ đưa vào thành phố theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, hiện các đối tượng đang chuyển sang nhập lậu những mặt hàng có chất lượng cao hơn, xuất xứ từ Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng tồn kho của các DN ở mức cao, dẫn đến việc gia tăng hàng hóa cận hạn, hết hạn sử dụng và hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Để người dân Thủ đô đón năm mới an toàn, vui tươi, BCĐ 389 Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên, BCĐ các cấp phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị tại địa bàn đó sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng trong dịp cuối năm 2015, tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2016; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả… Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các đề án thí điểm quản lý rau an toàn, thịt sạch; kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ trên địa bàn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh