THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Ghế K'pan của người Ê đê làm đắm say lòng người

Nếu có dịp về các buôn làng của người Ê đê, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh người dân ngồi diễn tấu cồng chiêng, hay các ama, amĭ hát ay ray trên chiếc ghế K'pan mộc mạc, làm đắm say lòng người.

K'pan là chiếc ghế độc lập được đẽo từ nguyên thân một cây gỗ. Người Ê đê hay dùng cây gòn rừng, cây sao và cây dầu nước để làm ghế K'pan. Thông thường ghế K'pan có độ dài từ 10m đến 15m, rộng khoảng 60 - 70cm, dày khoảng 8 cm, hơi cong hai bên đầu, có 2 hoặc 3 chân đỡ rộng, cao hơn 40 cm nhằm tạo dáng vẻ mềm mại và vững chắc khi ngồi, ghế K'pan thường được đặt ở phòng khách, dọc theo bức vách phía bên phải nhà của người Ê đê.

Ghế K'pan của người Ê đê làm đắm say lòng người - Ảnh 1.

Hình ảnh chiếc ghế K'pan

Ðể làm được một chiếc ghế K'pan, gia chủ phải có kinh tế khá giả. Một gia đình không thể làm được mà cần phải có sự giúp sức của cả buôn làng. Ban đầu, nhà muốn làm ghế K'pan phải tiến hành họp bàn với họ hàng để thống nhất ý kiến, dự trù kinh phí, vật tư, con người… để làm ra được một chiếc ghế K'pan vừa ý. Vài ngày sau, chủ nhà, họ hàng hai bên gia đình cùng thầy cúng mới mang theo một ché rượu cần, một con heo nhỏ vào rừng khảo sát tìm một cây có thân to, đẹp, ít cành và thẳng đứng và đặc biệt không có tổ chim, tổ kiến để chọn. Sau đó, người ta đặt các lễ vật dưới gốc cây tiến hành làm lễ cúng để xin thần rừng, thần đất và thần cây cho phép gia đình được chặt hạ cây xuống.

Khi làm lễ cúng xong, đợi 7 ngày sau nếu buôn làng không có điều gì bất trắc xảy ra (cây đã được thần linh đồng ý cho chặt) thì gia chủ mới kêu gọi khoảng 7 – 10 thanh niên có sức khỏe, khéo tay trong buôn mang theo rìu vào rừng hạ cây đã chọn làm ghế K'pan. Ðể hạ và đẽo thành một chiếc ghế K'pan thông thường, người Ê đê phải mất từ 10 - 15 ngày ăn ngủ trong rừng. Người chủ phải lo đủ thịt lợn, gà, rượu, gạo... phục vụ cho bà con ăn uống trong những ngày làm ghế K'pan. Sau khi đã làm hình thành một chiếc ghế K'pan vừa ý, chủ nhà sẽ về báo với họ hàng, buôn làng là đã làm xong ghế K'pan và gọi thêm người vào rừng để mang K'pan về buôn làm lễ rước vào nhà.

Trong ngày làm Lễ rước ghế K'pan, chủ nhà ăn mặc tươm tất, chuẩn bị đầy đủ các lễ vật dâng cúng như: 1 con trâu lớn, 7 ché rượu cần, cơm lam, chén tiết canh lợn… Mức độ lớn nhỏ của lễ K'pan tùy thuộc vào sự giàu có của mỗi gia đình.

Những người anh em, họ hàng của chủ nhà sẽ đứng thành hai hàng dọc hướng về nhà người chủ. Khi đầu ghế K'pan chạm đến chân cầu thang, thầy cúng và chủ nhà sẽ bước ra với cây giáo, cái khiên trên tay, làm nghi thức cắm cây giáo lên đầu K'pan, đọc lời khấn xin Yàng. Việc làm này có ý nghĩa giúp xua đuổi tà ma ra khỏi chiếc ghế K'pan và xin thần linh cho phép chủ nhà được sử dụng ghế K'pan.

Kết thúc phần dâng cúng, chủ nhà cùng buôn làng bắt đầu tấu cồng chiêng. Mọi người nhịp nhàng múa theo điệu xoang, ăn thịt trâu, cùng nhâm nhi bên ché rượu cần ấm nồng để tỏ lòng cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ gia đình có được chiếc ghế K'pan.

Ghế K'pan của người Ê đê làm đắm say lòng người - Ảnh 2.

Cùng đưa chiếc ghế ghế K'pan về nhà

Theo nghệ nhân Y Sim Ê ban, ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (huyện Chư Jút), K'pan là vật dụng quan trọng của người Ê đê để tiếp đón khách quý, diễn tấu dàn cồng chiêng mỗi khi gia đình có sự kiện lớn diễn ra. Gần gũi hơn nữa là nơi để các thành viên trong gia đình, dòng tộc giãi bày mọi niềm vui, nỗi buồn sau những ngày lao động mệt nhọc.

Tùy theo các các buôn làng, vùng miền sinh sống mà người Ê đê có những cách thức khác nhau để làm, sử dụng lễ vật trong dâng cúng hay thực hiện nghi lễ rước ghế K'pan.

Cuộc sống buôn làng của người Ê đê đã có nhiều thay đổi. Hình ảnh nhà dài, chiếc trống, cồng chiêng và đặc biệt là ghế K'pan dần được thay thế bằng nhà xây, bộ bàn ghế hiện đại, tiện nghi. Những năm gần đây, được các cấp chính quyền, ngành Văn hóa địa phương quan tâm tuyên truyền, phục dựng Lễ rước K'pan, không riêng gì đồng bào Ê đê ở buôn Nui, buôn Ea Pô, buôn Buôr… ( huyện Chư Jút) mà còn rất nhiều buôn khác của người Ê đê ở Tây Nguyên đã biết trân trọng gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ biết được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh