CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:59

Geleximco đầu tư cảng biển và trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam

Tập đoàn Geleximco và CTCP Vận tải và thương mại quốc tế (ITC) vừa đề xuất đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD.

Dự án thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168 ha; trong đó khu bến cảng là 105 ha, khu trung tâm logistics là 1.000 ha. Nhu cầu lao động dự kiến khoảng 15.000 - 20.000 người.

 

Tập đoàn Geleximco và CTCP Vận tải và thương mại quốc tế (ITC) vừa đề xuất đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD.


Dự án nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh và kho khác với quy mô thông quan mỗi năm khoảng 3 triệu Teu hàng container (một Teu bằng một thùng container tiêu chuẩn 39m3 thể tích).

Theo chủ đầu tư, dự án cảng và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án phức hợp, khép kín. Bến cảng sẽ phát huy hiệu quả trung tâm logistics. Ngược lại, có trung tâm logistics sẽ hỗ trợ cho hoạt động khai thác cảng, từ đó giảm giá thành thông quan, giảm chi phí xuất nhập khẩu...

Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ thuộc quy hoạch trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cửa ngõ quốc tế khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Với hệ thống luồng sâu, có thể thiết kế bến cảng đủ năng lực tiếp nhận những tàu lớn nhất trên thế giới với sức chở 18.000 - 22.000 TEU, trọng tải đến 200.000 DWT và nằm gần kề các tuyến hàng hải quốc tế, cho phép trực tiếp đưa hàng từ Việt Nam đến thẳng các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần trung chuyển qua Singapore hay Hồng Kông, việc phát triển cảng biển này giúp tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí vận tải mỗi năm cho Việt Nam.

Còn Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ trong khu vực, kết nối trực tiếp với hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đầy đủ chức năng đồng bộ như tập kết hàng hoá, phân phối hàng hóa, gom hàng, giao hàng, lưu giữ, xử lý, bảo quản... kết nối giao thông thuận tiện với tất cả các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt kết nối giao thông đường thuỷ sẽ giúp cho công tác logistics đối với hàng hoá xuất nhập khẩu giảm được rất nhiều chi phí, trực tiếp hỗ trợ và phục vụ cho cụm cảng phát triển.

Được biết, cả nước hiện có khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16-20%, logistic là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.

TIẾN LUYẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh