THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:05

Geleximco muốn xây nhà máy nhiệt điện tỷ USD với đối tác Trung Quốc

Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến về việc liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) đề xuất tham gia dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2 theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Đây là lần thứ hai doanh nghiệp này đề xuất làm nhà máy nhiệt điện vốn đang do tập đoàn năng lượng trong nước làm chủ đầu tư. 

Theo Vnexpress cho biết, theo đề xuất gửi Chính phủ hồi tháng 10/2017, Geleximco đề nghị được làm chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2.

Với dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 hiện do Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, Geleximco đề xuất liên danh Geleximco –HUI sở hữu 75% cổ phần, 25% còn lại thuộc TKV.

Còn với dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đơn vị này đề xuất nắm hẳn 100% cổ phần. 

Xin đầu tư vào các dự án nhiệt điện có giá trị, tổng vốn đầu tư hàng tỷ đôla, song phương án tài chính mà Geleximco và liên danh đưa ra lại phần lớn dựa vào vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ vốn đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. Dự kiến lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86% một năm và quốc tế là 11,77% một năm.

Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu, gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Hồ Nam, Chi nhánh An Huy và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc. 

Geleximco khẳng định, liên danh của họ sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn cho 2 dự án trên từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn vay thương mại quốc tế mà không cần bảo lãnh Chính phủ. Thậm chí, chủ đầu tư sẽ tiến hành khởi công xây dựng ngay các dự án mà không cần chờ hoàn thành thu xếp vốn..

Đề cập về năng lực tài chính của Geleximco, Bộ Công Thương cho biết, đơn vị chỉ nêu một số thông tin chung về giá trị tổng tài sản, tổng nợ, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, vốn lưu động…

Báo cáo tài chính năm 2016 của Geleximco cho thấy, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 8.976 tỷ đồng, được đảm bảo bởi nguồn tiền thu được từ các dự án xây dựng đô thị, golf (gần 8.872 tỷ đồng). Dòng tiền vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này có thể lên trên 15.730 tỷ đồng thu từ các dự án xây dựng.

Điều đáng quan tâm hơn là năng lực tài chính của đối tác liên danh HUI lại không được doanh nghiệp này cung cấp theo yêu cầu của Bộ Công Thương, mà chỉ đưa báo cáo tài chính năm 2014 – 2016 của Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang, cổ đông chính của HUI. 

Lý do được Geleximco đưa ra, HUI là công ty được KAIDI thành lập để huy động vốn đầu tư vào các dự án lớn tại các nước trong khu vực, gồm Việt Nam. Do HUI mới thành lập năm 2016 nên chưa có báo cáo tài chính 3 năm theo yêu cầu. Về dòng tiền, vốn chủ sở hữu và tài chính của HUI được thu xếp bởi KAIDI.

“Năng lực tài chính và kinh nghiệm của HUI chính là năng lực và kinh nghiệm của cổ đông – KAIDI Dương Quang”, văn bản giải trình của Geleximco gửi Bộ Công Thương nêu.

Trong khi Geleximco và liên danh tha thiết được làm nhiệt điện thì những tập đoàn trong nước đang được giao đầu tư số dự án này không đồng tình.

Là chủ sở hữu dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Lập 1, TKV cho rằng, nội dung đề xuất hợp tác của liên danh Geleximco – HUI “không phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư dự án này của Hội đồng thành viên TKV, theo đó TKV nắm giữ cổ phần chính”.

TKV lý giải, tháng 5/2017 tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với Geleximco - KAIDI và KOSPO (Hàn Quốc) về hợp tác phát triển dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I theo hướng TKV chủ trương nắm giữ cổ phần dự án này tối thiểu 36%, còn KAIDI 34%, KOSPO 34%.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Geleximco và KAIDI khẳng định chỉ hợp tác phát triển dự án với cơ cấu nhà đầu tư TKV nắm 36% cổ phần, KAIDI 34% và Geleximco 34%, không hợp tác với bất cứ nhà đầu tư nào khác trong triển khai dự án.

Theo Vneconomy,  trước đó, Tập đoàn Geleximco do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đề xuất với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư.

Theo Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền, doanh nghiệp có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; một số Quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc - công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỷ USD có năng lực và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư, Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Dân sinh và Tập đoàn đầu tư lớn tại Hong Kong như IDG…

Ngoài ra, năm 2017, Geleximco còn đề xuất lên UBND Hà Nội cho phép mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Đề nghị này của doanh nghiệp sau đó bị phản đối dữ dội từ dư luận. 

Trước đó, cuối năm 2016, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam.

Geleximco và HUI đề xuất tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và Tp.HCM đến Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo ước tính, tổng chi phí 4 dự án có thể lên tới gần 50 tỷ USD.

P.V (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh