THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:02

GDP quý I/2019 bắt đầu chững lại

Theo thông lệ hàng năm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018. Bên cạnh phần đánh giá tổng quan nền kinh tế, chủ đề của Ấn phẩm thường niên năm nay là: "Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”. Sự công bố diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019” vừa diễn ra tại Hà Nội.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong hơn một thập niên vừa qua, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại.

Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng.

GS.TS Trần Thọ Đạt cũng chia sẻ: Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới.

ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) - đề cập tới 3 khía cạnh quan trọng để xây dựng được chính sách tài khóa tiết kiệm, công bằng và bền vững. Trước hết, chuyên gia WB đặt vấn đề làm như thế nào để tạo khoảng đệm tài khóa đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa.

Số liệu được công bố cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng cao và đạt đỉnh vào năm 2016 với mức 63,7%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tỷ lệ này được giảm xuống mức 61,5% GDP. Mức nợ công tăng cũng đồng nghĩa với việc rủi ro đối với tăng trưởng và ổn định trong tương lai cũng tăng theo. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và củng cố tài khóa như thắt chặt chi tiêu đã bắt đầu phát huy tác dụng làm ổn định tình hình nợ công

Vị chuyên gia kinh tế của WB cũng ghi nhận nỗ lực thu thuế của Việt Nam đã có phần cải thiện rõ rệt trong giai đoạn 2005 - 2009, nhưng số thu có xu hướng giảm trong vài năm gần đây với mức trung bình chỉ hơn 23% GDP. 

Đối với vấn đề đảm bảo chính sách tài khóa vì người nghèo, ông Sebastian Eckardt cho biết chính sách tài khóa đang hướng tới đối tượng này, nhất là về phía chi, góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng bất động sản, xóa đói giảm nghèo.

Tiến hành cải cách chi theo chiều sâu nhằm đảm bảo tiết kiệm vào công bằng, chú trọng tới các loại dịch vụ công cốt lõi và hệ thống nợ công toàn diện; đảm bảo trách nhiệm giải trình; dự trù cho các biến động, kể cả hiện tượng già hóa dân số.

 

Dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng trên cơ sở số liệu 2 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT dự tính, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 6,58%. Con số này tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2016, 2017, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ (6,93%).
Với dự báo quý I tăng trưởng chỉ 6,58%, để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8% trong năm 2019, Bộ KH&ĐT cập nhật lại tốc độ tăng trưởng 3 quý còn lại lần lượt phải là: 6,77% - 7,13% - 6,7%. Điều này có nghĩa nền kinh tế Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lo ngại, thách thức lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu GDP tăng 6,8% trong năm 2019, vẫn còn nhiều việc phải làm.

 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh