THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:53

GDP 9 tháng năm 2018 ước tăng 6,98%

GDP 9 tháng 2018 tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay

Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%.

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Kết quả tăng trưởng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua; ngành lâm nghiệp tăng 5,9%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97 nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 9 tháng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,46%.

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,85; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,89; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,55; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,04%.

 

Tổng Cục thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018


Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,93% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,49%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 14,67%; 32,50%; 42,65%; 10,18%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,22%.

“Với tình hình kinh tế trong 9 tháng qua, tăng trưởng kinh tế năm nay  khả năng sẽ vượt mục tiêu Quốc hội giao (6,7%)”- ông Nguyễn Bích Lâm nhận định

Đời sống dân cư được cải thiện,  an sinh xã hội được quan tâm thực hiện

Cũng theo số liệu của Tổng Cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 9 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 5,07% (dịch vụ giáo dục tăng 5,75% làm CPI chung tăng 0,3%) do trong tháng có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí và nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao. Nhóm giao thông tăng 0,82% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 6/9/2018 và thời điểm 21/9/2018 làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,77% (tác động làm CPI tăng khoảng 0,08%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, trong đó lương thực tăng 0,28% do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; thực phẩm tăng 0,51%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04% (dịch vụ y tế tăng 0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%.

Tính chung quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với quý III/2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,20% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Theo Nguyễn Bích Lâm, những số liệu thông kê cho thấy, đời sống dân cư 9 tháng năm 2018 được cải thiện. Tính chung 9 tháng, cả nước có 100,7 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 401,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 40,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 7,4 nghìn tấn lương thực.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng trị giá quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 9 tháng là 4.763 tỷ đồng. Bên cạnh đó có gần 22,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh