Đời sống vùng tái định cư vùng thủy điện: Còn gặp nhiều khó khăn
- Y học 360
- 00:25 - 02/04/2015
Hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp với thực tế
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, nguyên nhân một phần quan trọng là do người dân tái định cư vùng thủy điện không được tham gia vào các kế hoạch di dân, không được thông tin kịp thời, hiệu quả nên không nắm được vấn đề và các chính sách liên quan.
Đa số các cuộc di dân chỉ được chính quyền và nhà đầu tư “thông báo cho dân biết, chứ không tham vấn ý kiến” khiến người dân tái định cư hoàn toàn bị động trước cuộc sống ở nơi ở mới, phụ thuộc hoàn toàn vào phần hỗ trợ tái định cư. Lợi ích của người dân vùng thủy điện chưa được “gắn kết, chia sẻ” với lợi ích của doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư các dự án, công trình thủy điện.
“Nơi ở mới sẽ hơn nơi cũ”, đó là những gì người dân được hứa hẹn khi sẵn sàng di dân nhường đất cho các công trình thủy điện, nhưng các hỗ trợ hậu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống như: cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật… chỉ mang tính ngắn hạn với mức thấp, không phù hợp với với điều kiện thực tế và nếp sống của người dân.
Còn các chủ đầu tư thường không thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ những cam kết về đền bù, xây dựng hạ tầng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm… buộc người dân tái định cư phải vật lộn với cuộc sống.
Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong đơn cử, tại Thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, Quảng Nam), mặc dù chủ đầu tư cam kết miễn tiền điện cho người dân trong thời gian đầu chuyển đến nơi ở mới song đến nay người dân vẫn phải trả khoản tiền này. Và ở một số công trình thủy điện khác, người dân vẫn không có điện dù sống tại nơi “sinh ra điện”...
Cùng với đó, chính sách cho vùng dân tộc thiểu số còn mang nặng tính nhiệm kỳ, thời gian thực hiện ngắn, hầu hết đều mang tính chất hỗ trợ hay đề ra có quá nhiều đầu mối quản lý dẫn đến nguồn lực bị phân tán, giàn trải... như nhận định của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út.
Chính những bất cập này trở thành những lý do chính khiến tình trạng đói nghèo ở các vùng di dân tái định cư thủy điện ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng. Chưa kể đến những hệ lụy xã hội do không có việc làm đối với cộng đồng những người di dân, tái định cư mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số cho các dự án này.
Triển khai các chính sách giảm nghèo đầy đủ
Các chuyên gia cho rằng, cần tổng hòa các chính sách để bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân vùng tái định cư thủy điện. Đặc biệt phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư đối với những người đã nhường đất cho công trình thủy điện.
Theo TS.Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, cơ chế “chia sẻ lợi ích” giữa người dân và DN đầu tư vào thủy điện là giải pháp “gốc” để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân di dân vùng thủy điện. Cụ thể, dùng doanh thu của các công trình thủy điện để tái đầu tư cho các cộng đồng bị ảnh hưởng như đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các chương trình phát triển ở địa phương.
Quan trọng, cần “luật hóa” cơ chế này và có một cơ quan giám sát độc lập việc chủ đầu tư thực hiện các cam kết, lời hứa với người dân nhường đất mới để bảo đảm quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng.
“Bảo vệ hiệu quả quyền tiếp cận đất và vốn sản xuất của người dân tộc thiểu số nhằm giúp họ tạo kế sinh nhai và trang bị hành trang giúp họ tìm việc làm thông qua đào tạo nghề theo hướng phù hợp với văn hóa, nhu cầu thị trường và mong muốn của người sử dụng lao động là rất quan trọng”, điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, TS. Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Ông Phùng Đức Tùng cũng lưu ý, cần có kế hoạch hành động cụ thể triển khai các chính sách giảm nghèo đầy đủ, kịp thời, thiết thực đến các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng di dân thủy điện nói riêng, để thúc đẩy việc nâng cao đời sống, tránh tình trạng nghèo, tái nghèo cho người dân.
Ngoài rất nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, hệ lụy trước mắt của việc này là nhiều trẻ em có nguy cơ gián đoạn việc học hoặc thất học do người dân phải chuyển đi chuyển lại chỗ ở, vì thế càng cần thết phải có những giải pháp, kế hoạch hợp lý, đảm bảo cho người dân yên ổn với cuộc sống mới nơi tái định cư.