THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:24

Gặp gỡ doanh nghiệp Á - Âu tại Việt Nam 2021

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Trong đó các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và gỗ, cơ khí, máy móc. Chiều 28/10, tại Hà Nội, Delta E&C Vietnam và Phòng thương mại Ý tại Việt Nam ( ICHAM) tổ chức buổi “Gặp gỡ doanh nghiệp Á - Âu tại Việt Nam 2021” để các lãnh đạo của các công ty FDI chia sẻ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, ổn định hoạt động sản xuất trong đại dịch.

Các đại biểu tham dự Gặp gỡ doanh nghiệp Á - Âu tại Việt Nam 2021.

Các đại biểu tham dự "Gặp gỡ doanh nghiệp Á - Âu tại Việt Nam 2021".

Buổi gặp mặt này có sự tham gia của Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại Giao Trần Thanh Huân,  Ngài Antonino Tedesco - Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp: Eurocham, Icham, Korcham, IBCham, Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, cùng lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp FDI như LG Việt Nam, Cosmos Japan Creation.

Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Huân năm nay là một năm khó khăn đối với tất cả mọi người, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã và đang cố gắng tìm ra các biện pháp để ổn định tình hình dịch, giúp các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại.

Tại buổi gặp mặt này, Ngài Antonino Tedesco cho biết, hiện nay những dự án của Ý cũng như châu Âu đầu từ vào Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, Đại sứ quán cũng như khối doanh nghiệp Ý tại Việt Nam rất mong nhà nước Việt Nam sẽ triển khai chiến lược vaccine một cách tốt nhất để các hoạt động đầu tư, giao thương được diễn ra một cách tốt đẹp.

Đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu, Phòng Thương mại Ý và Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đều có chung nhận định, để vượt qua khủng hoảng về bệnh dịch và không để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, Việt Nam nên đi theo hướng tiêm chủng vaccine thay vì phong tỏa diện rộng để tránh đình trệ sản xuất, làm đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng cũng như tránh để mất đi cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Giám đốc Marketing của Tập đoàn LG cho biết, 2 năm qua là thời gian khó khăn với cả Việt Nam cũng như các nước trên thế giới do dịch COVID bùng nổ. Tại Việt Nam, LG cũng đã gặp khó khăn trong sản xuất và hoạt động vì tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây vì LG hy vọng Việt Nam sẽ sớm ổn định tình hình và quay lại trở lại trạng thái bình thường.

Ông Steve Bùi - Chủ tịch công ty Delta E&C - đơn vị tổ chức chính sự kiện cho biết: “Trong sự kiện này, chúng ta đã chia sẻ, đóng góp ý kiến và cùng nhau đưa ra những sáng kiến kết nối để các tổ chức và doanh nghiệp. Qua đó thấu hiểu và tạo dựng mạng lưới thông tin xuyên suốt giữa các tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới. Sự kiện đã đánh dấu những cột mốc quan trọng trong việc trao đổi thành công các chương trình Gặp gỡ Châu Âu tháng 11/2021. Hy vọng nhiều cuộc gặp gỡ giữa các bên sẽ được phối hợp cùng Cục Ngoại Vụ- Bộ Ngoại Giao trong năm 2022.”

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh