THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:23

Gặp bạn tù của “Nữ anh hùng vùng đất đỏ”

 

Cô Kim Dung hiện nay.

 

Quyết tử ở tuổi 15

Thời gian ấy đã cách đây đã 70 năm, đó là ngày 10/6/1948, chỉ có bốn cô gái đội Cảm tử quân biệt động thành được giao nhiệm vụ đánh vào rạp chiếu bóng Majestic đã làm binh lính Pháp kinh hoàng bạt vía. Đây là rạp chiếu bóng sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, dành cho sĩ quan và binh lính Pháp nên luôn được canh gác cẩn trọng. Việc đột nhập và mang vũ khí vào rạp là chuyện rất khó khăn. Thời gian này, tình hình ở chiến trường Đông Dương rất cam go quyết liệt, thực dân Pháp liên tiếp bị đánh bại buộc chúng phải điều động binh lính từ các chiến trường khác tới hỗ trợ.

Nắm bắt được tình hình, Ban công tác thành do anh Nguyễn Danh Khôi phụ trách đã chỉ huy tiểu đoàn quyết tử 950 (trước đó gọi là Ban công tác số 10) do đồng chí Nguyễn Thị Huệ làm đội trưởng, quyết định đánh một trận phủ đầu để tiêu diệt sinh lực địch. Ngoài mục đích gây cho chúng hoang mang, lo sợ thì trận đánh còn nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào ta.

Kế hoạch được vạch sẵn và ấn định vào đêm 10/6/1948. Bốn cô gái với 3 quả lựu đạn OF được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh trận này là: Bùi Thị Huê, Hoàng Thị Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung và Mạc Thị Lan. Trong số này có Kim Dung nhỏ nhất, mới 15 tuổi. Vào đêm 10/6, 4 cô gái trẻ bắt xích lô lần lượt đến rạp chiếu bóng. Để đánh lạc hướng sự chú ý của lính canh, bốn cô gái người thì trang phục áo dài, người thì mặc váy đầm, loại trang phục quý tộc mà vợ con binh lính Pháp hay mặc. Nước hoa xịt thơm nức, lựu đạn được dấu kĩ dưới đáy bóp đầm, bốn cô gái quả cảm bước vào rạp. Mặc dù bị khám xét kĩ nhưng bốn cô gái vẫn “nhẹ nhàng” vượt qua tầm ngắm của bọn lính canh để vào rạp.

 

Cô Kim Dung lúc mới ra tù. (ảnh do nhân vật cung cấp).

 

Sau khoảng 15 phút ổn định được chỗ ngồi và bí mật quan sát, đúng 8 giờ, lúc đèn vừa vụt tắt và phim bắt đầu chiếu thì cũng là lúc những quả lựu đạn đã sẵn sàng rút chốt. 3 quả lựu đạn của Nguyễn Thị Kim Dung, Hoàng Thị Thanh và Bùi Thị Huê gần như nổ cùng lúc. Tiếng nổ kinh hoàng chát chúa khiến bọn lính pháp hỗn loạn xô đẩy, dẫm đạp lên nhau chạy thoát thân. Nhân tình hình đó, 3 cô gái cũng nhanh chóng xoa tay lên đầu tóc đã xịt đầy nước hoa để xóa bỏ dấu vết và mùi tanh của lựu đạn, hòa vào dòng người để thoát ra ngoài. Sau tiếng những nổ lớn, 20 binh lính và sĩ quan Pháp đã thiệt mạng, 30 tên khác bị thương. Trong trận đánh này, Bùi Thị Huê bị thương và bị bắt tại chỗ.

Trận đánh phủ đầu này đã gây được tiếng vang trên khắp chiến trường Đông Dương và ảnh hưởng lớn đến các thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ, khiến cho chúng ăn ngủ không yên bởi những lời chỉ trích từ chính quyền Pháp. Sau gần 2 tháng diễn ra trận đánh, bọn địch quyết định  trở lại, tăng cường lùng sục, bắt bớ. Do có kẻ khai báo nên ngày 12/8, Kim Dung đã bị bắt.

Tháng năm hạnh phúc

Qua nhiều lần bị tra khảo dã man, chết đi sống lại ở khám Lớn và các nhà tù khác, các cô gái cảm tử quân vẫn giữ được khí tiết của những người cách mạng, không chịu khai báo. Không thu được kết quả, cuối cùng đến tháng 6 năm 1949 chúng buộc phải đưa các cô ra xét xử và kết án. Vì đã gây thiệt hại lớn cho quân pháp nên bản án rất nghiêm khắc đối với ba người là mức án tử hình. Ba cô gái đều kháng án, trong đó có Kim Dung, vì mới 15 tuổi nên dư luận Sài Gòn và Pháp lúc bấy giờ phản ứng mạnh mẽ. Trước làn sóng dư luận đó, chính quyền thực dân Pháp đã không thể giữ nguyên được bản án tử hình đối với các cô. Cuối cùng chúng tuyên án: Bùi Thị Huê mức án chung thân; Nguyễn Thị Đào 20 năm tù khổ sai và Kim Dung 10 năm tù khổ sai. 

Trong thời gian ngồi tù ở trại giam Chí Hòa 3 nữ tù nhân khổ sai này đã có may mắn gặp chị Võ Thị Sáu. Đầu năm 1950, vì ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết một Cai Tổng Tòng quan ba và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp nên chị Võ Thị Sáu đã bị giải lên Sài Gòn chờ ngày xét xử. Chị bị đày lên nhà lao Chí Hòa và bị nhốt cùng phòng giam với cô Kim Dung, sau đó bị địch đày ra Côn Đảo và tuyên án tử hình. Những ngày ở cùng chị Võ Thị Sáu tuy ngắn ngủi nhưng cũng để lại cho cô Kim Dung những kỷ niệm khó quên, đó là thời gian “tuyệt thực” để đấu tranh trong trại giam Chí Hòa, có lần chị Sáu bị ói ra máu nên làm chị em rất lo.

Mãi đến năm 1954, khi hiệp định Giơnevơ được kí kết, các cô trong đội cảm tử quân lần lượt được thả ra, Kim Dung thì ra Bắc học tập và làm nhiệm vụ hậu phương. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình cô Kim Dung lại chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh.  

Sau khi nghỉ hưu ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhưng Kim Dung khi xưa và nay vẫn là một con người sống đầy trách nhiệm với non sông, với đất nước. Bà vẫn ngày ngày tham gia đội văn nghệ Cựu nữ tù chính trị TP. Hồ Chí Minh cùng chị em cựu nữ tù để đi biểu diễn gây quỹ từ thiện trên khắp mọi miền đất nước. Họ không phải là những ca sĩ, nhóm múa chuyên nghiệp, thế nhưng những buổi biểu diễn của Đội văn nghệ cựu nữ tù luôn được đông đảo người dân trên khắp mọi miền đất nước nhiệt tình chào đón.

 

Đội Văn nghệ cựu nữ tù chính trị biểu diễn tại huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre).

 

Cô Đặng Hồng Nhựt, Đội trưởng đội văn nghệ Cựu nữ tù, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm thư kí Hội nạn nhân chất độc da cam TP. Hồ Chí Minh cho biết đội văn nghệ Cựu nữ tù được thành lập năm 1998 trực thuộc Ban liên lạc cựu nữ tù chính trị TP. Hồ Chí Minh. Lúc đầu Đội văn nghệ cựu nữ tù chỉ có khoảng 10 người, có thời điểm lên đến 40 người thì hiện nay do tuổi già sức yếu, nhiều người không đủ sưc khỏe để tham gia. Có người thì đã ra đi mãi mãi nên đội văn nghệ chỉ còn lại chưa đầy 30 người.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng có 3 thế hệ bị tù đày, bản thân cô Hồng Nhựt đã từng nếm trải mùi vị gian khổ trong những ngày ở chuồng cọp (Côn Đảo). Bước sang tuổi xế chiều, dù công việc bận rộn, thế nhưng khi có lịch biểu diễn ở đâu là cô lại sắp xếp thời gian đi cùng chị em cựu nữ tù đến mọi miền tổ quốc.

Hiện nay, trong Ban liên lạc cựu nữ tù chính trị có những người gia đình khá thành đạt, nhưng cũng có những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Kim Yến, là một gia đình cách mạng có cha và chồng là liệt sỹ, trong một trận đánh một mình cô tham gia năm 1970 tại Vĩnh Long, cô đã bế theo con gái để tránh sự nghi ngờ của địch. Do sơ suất không được học cách sử dụng trái nổ nên cô đã bị thương nặng trong trận này, còn con gái cô bị mất một bàn chân. Giờ đây, chị Hồ Ngọc Lệ  (con gái cô) đang là giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, đây thực sự là niềm an ủi lớn đối với cô lúc tuổi già.

Bài và ảnh: THÚY NGA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh