CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Gắng gượng đến trường

 

“Cách đây mấy ngày, phòng giáo dục huyện về kiểm tra, ghi nhận học trò đến lớp đầy đủ. Chúng tôi đến từng nhà dân vận động, ý thức của họ cao hơn nên đầu tư việc học cho con cái cũng tốt lắm”. Ông Bạch Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã nói như vậy về hiệu quả kéo giảm học sinh (HS) bỏ học của nhà trường.

Kiên trì vận động

Xã Lộc Bổn là địa phương có nhiều người dân sinh sống và làm việc tại Lào. Vào đầu năm mới, nhiều gia đình dắt díu nhau qua Lào làm ăn. Cũng chính vì vậy, cứ mỗi dịp sau Tết, lại rộ lên tình trạng HS Trường THCS Lộc Bổn bỏ học, được cho là nhiều nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Bạch Văn Phước cho biết thời điểm này những năm trước, HS bỏ học để cùng cha mẹ sang Lào mưu sinh. Tuy nhiên, năm nay chỉ có một trường hợp xin rút hồ sơ để cùng gia đình sang Lào vừa học vừa làm. “Hầu hết các lớp sĩ số đủ, thầy cô không còn lo cảnh bàn ghế thiếu người” - thầy giáo Phước khoe.

 

 Cần có nhiều cách làm từ nhà trường, địa phương để không còn cảnh học sinh nghèo vùng cao bỏ học đi hái đót, làm nương rẫy Ảnh: Hà Phong

Cần có nhiều cách làm từ nhà trường, địa phương để không còn cảnh học sinh nghèo vùng cao bỏ học đi hái đót, làm nương rẫy Ảnh: Hà Phong.

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Lộc đánh giá việc kiên trì vận động của Trường THCS Lộc Bổn mang lại hiệu quả cao. Dù cuộc sống khó khăn, làm ăn xa nhưng các gia đình vẫn cố gắng sắp xếp để con cái đến trường.

Chia sẻ kinh nghiệm về kéo giảm HS bỏ học, ông Phước cho rằng đó là sự vào cuộc ráo riết, đồng bộ của chính quyền, đoàn thể địa phương, nhà trường và cả gia đình. Theo ông Phước, cứ mỗi lần có HS dự tính bỏ học thì ngay lập tức, giáo viên chủ nhiệm thông báo cho nhà trường. Sau đó, lãnh đạo trường báo cáo lên UBND xã Lộc Bổn, đồng thời chuyển thông tin về hội khuyến học ở 5 họ tộc trong toàn xã. Đại diện chính quyền, hội khuyến học cùng lãnh đạo trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ cùng đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, vận động gia đình, thuyết phục HS không bỏ học. “Lãnh đạo chính quyền ở đây rất chú tâm vào chuyện học hành của con em trong xã. Các họ tộc cũng vậy, họ có quỹ khuyến học, sẵn sàng giúp đỡ kinh phí cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, tình hình bỏ học ở đây ngày càng giảm rõ rệt” - ông Phước khẳng định.

Nhiều cách làm hay

Năm nay, việc HS nghỉ học sau mỗi kỳ nghỉ Tết vẫn diễn ra ở nhiều huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình hình đã được cải thiện, có trường xóa được cảnh trường lớp vắng người.

Điển hình là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã Axan, huyện Tây Giang). Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, trường không có HS nào bỏ học, ngoại trừ 2 em đến lớp trễ. Nhà của 2 em cách xa trường khoảng 30-40 km, đường sá đi lại khó khăn. Khi nắm được thông tin, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm liên lạc với gia đình, vận động các em sớm trở lại trường. Thầy Nguyễn Viết Trường, hiệu trưởng nhà trường, khẳng định tình trạng HS nghỉ học ngày càng giảm là nhờ sự sâu sát như thế. Nắm bắt được tâm lý, thói quen nghỉ học kéo dài của học trò nên từ trước Tết, giáo viên chủ động nhắc nhở, dặn dò về lịch học, thời gian đi học trở lại. Ăn Tết xong, thầy cô trở lại trường học sớm để liên hệ với địa phương, già làng, trưởng bản, nhờ nhắc nhở các gia đình. “Nhờ cách làm này mà chúng tôi xóa bỏ được tình trạng vắng lớp, bỏ học, việc dạy và học đi vào nề nếp” - thầy Trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Giang, cho biết cách làm của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Giữa nhà trường, chính quyền và gia đình gắn kết trách nhiệm với nhau, nhờ vậy ý thức về việc học của con em địa phương được nâng cao.

Ở Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây là một trong những địa phương đi đầu trong vận động gia đình cho con em đến lớp. Ngoài ra, việc tổ chức lồng ghép các hoạt động phong trào được phát động sâu rộng ở các trường cũng phát huy nhiều tác dụng. Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, phấn khởi: “Có trường tổ chức hội thao đầu xuân, có trường tổ chức văn nghệ, phát quà đầu năm... Mỗi trường một cách làm hay, nhờ vậy tỉ lệ học sinh đến lớp sau Tết năm nay đạt rất cao, cấp I đạt 99%, cấp II đạt 96%”.

Ông Nguyễn Kiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết chính nhờ sự chủ động ở các thầy cô giáo, các trường nên tình trạng HS bỏ học sau Tết trong năm nay giảm so với mọi năm. “Trong những năm tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường chủ động triển khai nhiều biện pháp như vậy để không còn cảnh HS bỏ học sau Tết” - ông Kiên bày tỏ.

 

Đứng lên sau lũ

Sau các trận lũ diễn ra vào cuối năm 2016, rất nhiều hộ gia đình ở tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hàng chục ngàn HS không còn sách vở đến trường. Dù khó khăn chồng chất như vậy nhưng phần lớn các gia đình vẫn gắng gượng tiếp tục cho con đến trường. Tính đến thời điểm này, tỉ lệ HS bỏ học cấp THCS niên khóa 2016-2017 trên toàn tỉnh chỉ chiếm 0,3% (281 em; giảm 43 em so với năm học 2015-2016), cấp THPT 1,33% (710 em; giảm 54 em.

Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, cho biết lường trước nguy cơ HS vùng lũ bỏ học tăng cao, ngành GD&ĐT Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách; vận động hỗ trợ sách vở cho các em; thực hiện tốt công tác nắm tình hình, sớm phát hiện HS có nguy cơ bỏ học để giúp đỡ kịp thời. Bằng những việc làm thiết thực, các trường cũng quyết tâm không để xảy ra tình trạng HS bỏ học vì thiếu sách, vở... Nhờ vậy mà toàn tỉnh đạt được kết quả tích cực như trên, ngăn được tình trạng HS bỏ học, đặc biệt là bỏ học sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2017.

A. TÚ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh