Gần Tết, cẩn trọng với nhiều hình thức lừa đảo
- Pháp luật
- 12:59 - 21/01/2022
Lừa đảo bằng hình thức tặng quà cuối năm
Đang lướt mạng xã hội, bà N.T.K (ngụ TP.HCM) nhận được tin nhắn trúng thưởng 300 triệu đồng từ một chương trình tri ân khách hàng, phía “ban tổ chức” yêu cầu bà K. nộp 3 triệu đồng để làm hồ sơ nhận thưởng và 10% thuế thu nhập cá nhân. Để lấy lòng tin, các đối tượng này cho biết công ty sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng, bà K. chỉ phải nộp thêm 10 triệu để nhận phần thưởng giá trị trên. Nghĩ rằng vận may đã mỉm cười với mình những ngày cuối năm, bà nhanh chóng nộp tiền nhận thưởng vào tài khoản được yêu cầu. Tuy nhiên, sau đó bà K. chờ mãi vẫn không thấy quà, các số điện thoại trước đây liên lạc với bà khi gọi lại đều ngoài vùng phủ sóng.
Bà N.T.K chia sẻ với chương trình Lời Cảnh Báo: “Tên cửa hàng tổ chức giải thưởng mà chúng nói cũng là nơi tôi thường xuyên đến mua sắm nên khi nghe thông báo được trúng giải, tôi không mảy may nghi ngờ. Một phần số tiền thưởng cũng quá lớn mà mình chỉ phải bỏ một khoản nhỏ để nhận nên lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều mà nhanh chóng chuyển ngay vì sợ… mất phần thưởng. Sau khi biết mình bị lừa, phần tâm lý cũng ngại phiền phức khó khăn nên tôi không trình báo với cơ quan chức năng.”
Dịp cuối năm là thời điểm hình thức lừa đảo “tặng quà tri ân” nở rộ. Các đối tượng này tự xưng là nhân viên của sàn mua sắm điện tử gọi điện thông báo gửi tặng quà có giá trị nhằm tri ân. Chúng thường yêu cầu nạn nhân phải trả một số các loại phí như phí vận chuyển, phí làm hồ sơ hay thuế thu nhập cá nhân… từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng. Vì lòng tham vẫn không ít người bị sập bẫy chiêu thức này.
Tiềm ẩn hậu họa từ dịch vụ "ghép xe - tiện chuyến"
Gần Tết, dịch vụ xe đưa đón người về quê nở rộ đặc biệt là loại hình dịch vụ “ghép xe- tiện chuyến”, tạo điều kiện cho người dân được đi lại dễ dàng với giá rẻ hơn so với giá thuê xe riêng, đi tuyến xe thẳng về quê chứ không đừng đón – trả khách như xe khách. Ngoài ra việc tránh tiếp xúc đông người trong thời điểm dịch bệnh cũng là một lý do khiến nhiều người hiện nay lựa chọn hình thức xe này để di chuyển về quê. Chỉ cần gõ từ khóa “xe ghép chuyến” trên mạng xã hội sẽ ra một loạt những hội nhóm kín, nhóm mở về các chuyến xe ghép từ các thành phố lớn đi các tỉnh và ngược lại. Có nhà xe, cá nhân không đăng công khai, mà chỉ quảng cáo, để lại số điện thoại và đề nghị inbox (nhắn tin riêng). Sau khi dụ được nạn nhân chuyển tiền trước thì chúng biến mất.
Thủ đoạn của chúng thường là post các hình ảnh về phương tiện xe cộ, thông tin về chuyến xe lên các hội nhóm, sau đó dùng nhiều tài khoản ảo để bình luận tạo thu hút. Các giao dịch trao đổi phải inbox và chúng thường yêu cầu nạn nhân chuyển trước 1/3 số tiền vé. Chúng nắm rất rõ các thông tin của chuyến xe khách đi về địa phương của nạn nhân nên dễ dàng tạo được lòng tin. Khi nạn nhân chuyển tiền thì chúng sẽ chặn nick, xoá tài khoản và khoá máy. Cũng bởi số tiền cọc chỉ vài trăm ngàn nên nhiều người đã ngần ngại để tố giác tội phạm khiến loại hình này có cơ hội lan nhanh.
Để có thêm những kiến thức phòng tránh các chiêu thức lừa đảo vào dịp Tết từ các chuyên gia, mời quí khán giả cùng đón xem các số phát sóng của chương trình “Lời cảnh báo” từ 24/1 đến 30/1 lúc 19h50 tối thứ Hai và thứ Tư trên THVL1.