THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Gắn công tác khuyến học với đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 

ảnh minh họa

Hơn 895 nghìn lớp chuyên đề

Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam, năm 2017, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung); Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT” ở các địa phương, Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội nghị về đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 – 2020 và những giải pháp thực hiện. Hội đã tổ chức, khảo sát, xây dựng mô hình kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT ở 11 tỉnh trong cả nước (Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Lâm Đồng, Lào Cai, Khánh Hòa, Bến Tre, Thái Nguyên).

Hội Khuyến học các địa phương phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, vận động học viên ra lớp, tham gia giảng dạy, biên soạn chương trình, nội dung đa dạng như kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng và chăm sóc cây cao su, thanh long (Bình Thuận), cây có múi (Hòa Bình), chế biến nông lâm sản, mây tre đan xuất khẩu, cơ khí nông nghiệp (Thái Bình, Hậu Giang), các lớp tin học, xóa mù chữ, chính sách pháp luật… Phối hợp với các trường nghề đào tạo nghề cho LĐNT theo các chuyên đề, dự án, các chương trình, mục tiêu được đưa vào dạy tại Trung tâm học tập cộng đồng ngày càng tăng.

Theo báo cáo thống kê của các địa phương năm 2017: Số lớp chuyên đề đã mở trong năm: 895.676 lớp, tăng 8,3% so với năm 2016; Số lượt người đã học tại trung tâm: 68.720.000 lượt, tăng 7,96% so với năm 2016;Trung tâm học tập được xếp loại tốt chiếm 44,43%; loại khá chiếm 39,85%; loại trung bình chiếm  12,89%... Nhiều tỉnh, thành phố mở lớp, đào tạo nghề ngắn hạn đạt và vượt kế hoạch như Bình Thuận, Thanh Hóa, Điện Biên, Nam Định…

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong đào tạo nghề cho LĐNT, tuy nhiên công tác này hiện vẫn còn nhiều khó khăn bất cập cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Thọ- Chánh Văn phòng TW Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Khó khăn lớn nhất là Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng vẫn phải làm việc kiêm nhiệm, Phó Giám đốc là thành viên Hội Khuyến học lại chưa có phụ cấp trách nhiệm; kinh nghiệm của lãnh đạo trung tâm trong việc xây dựng kế hoạch, quản lý, tổ chức, xây dựng chương trình, triển khai, thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, tài liệu phục vụ học tập của các trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa còn khó khăn, kinh phí hoạt động eo hẹp. Đời sống nhân dân ở vùng núi cao, vùng biển còn khó khăn; có nơi chưa có điện thắp sáng, hệ thống thông tin viễn thông chưa có.

Một số nơi đã sát nhập Trung tâm học tập cộng đồng vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường chưa qua tổng kết, đánh giá và chưa nghiên cứu kỹ các quy định, lại chưa có quy chế hoạt động nên nhiệm vụ của Trung tâm học tập cộng đồng không thực hiện được. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp đóng trên địa bàn với các trường dạy nghề và chính quyền địa phương trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn hạn chế, tỷ lệ lao động sau đào tạo được tuyển dụng còn thấp. Kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo nghề còn hạn chế so với nhu cầu đăng ký học nghề của người lao động.

Giai đoạn 2018 – 2020, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, tổ chức tuyên truyền chủ trương đào tạo nghề cho LĐNT; tư vấn, điều tra khảo sát về nhu cầu học nghề phục vụ công tác đào tạo gắn với mô hình học tập cộng đồng; Tham gia tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề tại chỗ tại các Trung tâm học tập cộng đồng và tham gia công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho giáo viên, tình nguyện viên thực hiện dạy nghề cho LĐNT.

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh