CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh - Ảnh 1.

Các đại biểu dự đại hội.

Ngày 1/12/2020, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020. Đại hội đã vinh danh 294 đại biểu tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Những tấm gương sáng đại diện cho gia đình, dòng họ, cộng đồng

Tại đại hội, GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, 294 đại biểu tiêu biểu cho các mô hình học tập về dự đại hội lần này là những tấm gương sáng đại diện cho gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị về tinh thần ham học, tự học, nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn.

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những thành tích nổi bật của các đại biểu tham dự đại hội cũng như nhiều tấm gương học tập tiêu biểu khác.

Các đại biểu đại diện cho hơn 16 triệu gia đình, gần 85.000 dòng họ, hơn 89.000 cộng đồng và trên 48.000 đơn vị học tập được bầu chọn từ cơ sở với đủ các thành phần cư dân nông thôn và thành thị, ở mọi ngành nghề, mọi vùng miền, dân tộc, lứa tuổi khác nhau trong cả nước. Đại biểu cao tuổi nhất là 86 tuổi, trẻ nhất dưới 30 tuổi, đa số các đại biểu từ 55 đến 70 tuổi; đại biểu nữ chiếm 27%, đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 10% gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, H'Mông, Mường, Thái, Vân Kiều, Bana, Jrai, Chăm, Hà Nhì.

Tiêu biểu như ở Thái Bình, ông Trần Đại Nghĩa là người tự học thành tài, sáng chế ra máy cấy lúa không dùng động cơ; ông Nguyễn Như Lĩnh sáng chế ra máy thái rau phục vụ chăn nuôi gia súc, đạt năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh ế, được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Bà Lê Ngọc Chi (An Giang) đã thay cha mẹ nuôi các em ăn học từ năm 18 tuổi. Công việc đầu tiên của bà chỉ buôn bán nhỏ, thu nhập thấp. Buổi tối bà theo học các lớp tiếng Anh rồi trở thành người dạy tiếng Anh cho  học sinh và người lớn bằng việc mở lớp đàm thoại Anh ngữ. Bà tiếp tục theo học khóa "Kỹ thuật viên vi tính" và mở phòng dạy vi tính tại nhà. Để có thêm thu nhập, bà học thêm nghề sửa chữa điện thoại; nuôi 5 em tốt nghiệp đại học. 

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh - Ảnh 3.

Các đại biểu tại lễ vinh danh.

Gia đình KPă Vương (Phú Yên) có 5/6 con tốt nghiệp đại học; bản thân ông tuy đã về hưu nhưng luôn phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên mở trên 10 lớp học với 600 học viên theo học tiếng Ê Đê, thời gian 6 tháng/lớp cho cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh. Năm 2017, gia đình ông hiến 3 nghìn mét vuông đất để xây dựng trường mầm non của xã. Hay như gia đình cựu chiến binh Nguyễn Đông (Quảng Trị), để thoát nghèo, hai vợ chồng ông tích cực tham gia các khoa học ở Trung tâm học tập cộng đồng, các khóa tập huấn của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Từ nguồn vốn ban đầu với mấy con lợn nái và lợn thịt, ông bà chuyển dần sang việc chăn nuôi lợn theo công nghệ bán tự động. Đến nay gia đình ông đã có đàn lợn hơn 450 con, 10 ha đất trồng chuối, cà phê, cao su, có nhà trồng nấm rộng hơn 90 mét vuông. Mỗi tháng gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng…

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh - Ảnh 4.

GS, TS Nguyễn Thị Doan: 294 đại biểu tiêu biểu cho các mô hình học tập về dự đại hội lần này là những tấm gương sáng đại diện cho gia đình, dòng họ.

Phong trào xây dựng xã hội học tập tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội

GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam (KHVN) cho biết, thực hiện Quyết định số 281 ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", thời gian qua Hội KHVN đã nỗ lực đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình học tập. Qua đó, hoạt động khuyến học đã lan tỏa đến từng người dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, đơn vị, trở thành nếp sinh hoạt tốt trong cộng đồng. Người dân đã thấy được lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của học tập suốt đời.

Tính đến tháng 9/2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt 72,77% so với tổng số gia đình trong cả nước; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51% số chi tộc trong cả nước; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38%; số thôn bản, tổ dân phố đơn vị học tập đạt 85,73%.

"Giai đoạn 2021- 2025, Hội KHVN phấn đấu các chỉ tiêu về mô hình học tập tăng từ 10 - 20%; chuẩn bị triển khai xây dựng mô hình "Công dân học tập" hướng đến "Công dân số". Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xóa mù chữ bền vững; đẩy mạnh việc dạy nghề cho lao động nông thôn, xóa mù nghề, góp phần tích cực trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội trong giai đoạn Công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia", GS, TS Phạm Tất Dong cho hay.

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh - Ảnh 5.

GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch cho biết, giai đoạn 2021-2025, Hội KHVN phấn đấu các chỉ tiêu về mô hình học tập tăng từ 10 - 20%.

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những thành tích nổi bật của các đại biểu tham dự đại hội cũng như nhiều tấm gương học tập tiêu biểu khác.

"Tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là xu thế phát triển tất yếu không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt trong thời đại ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, hội nhập toàn cầu. Kiến thức mà một người học trong nhà trường chính quy, kể cả đại học, sau đại học sẽ trở nên ít ỏi, nhanh chóng lạc hậu và không đủ dùng trong suốt cuộc đời. Do vậy, mỗi người cần phải học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, nhằm bổ sung kiến thức, đáp ứng cho chính công việc hàng ngày của mình", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Gần 300 đại biểu tiêu biểu khuyến học, khuyến tài được vinh danh - Ảnh 6.

Trao bằng khen cho các đại biểu đại diện cho các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị hoc tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Phó Thủ tướng, chính các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" mà Hội Khuyến học các cấp cùng với ngành Giáo dục đã và đang triển khai xây dựng chính là con đường đi phù hợp cho mọi người dân, nhằm thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của cả nước.

"Tôi tin tưởng sau đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu của Hội KHVN, các cuộc vận động, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh