CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:14

Gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường

Gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường - Ảnh 1.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 26/2, gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường.

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về tình hình lao động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đó, tính đến hết 22/2, cả nước xảy ra 35 vụ ngừng việc tập thể, đình công, giảm 12 cuộc so với dịp trước Tết năm 2020 (trước Tết xảy ra 34 cuộc, sau Tết xảy ra 1 cuộc). Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân ngừng việc chủ yếu tập trung vào các nội dung về trả lương, trả thưởng, thưởng Tết, phụ cấp, kế hoạch nghỉ Tết, lịch sản xuất…

Trong Tết, có một số ít doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất để kịp trả giao hàng và hoàn thành đơn hàng, còn lại hầu hết người lao động về quê đón Tết hoặc ở lại không về quê do tình hình dịch bệnh COVID-19. Đối với những người lao động không về quê đón Tết, các DN đã tổ chức phương án chăm lo, hỗ trợ, giúp người lao động và gia đình đón Tết đầm ấm, vui vẻ.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến ngày 26/2, (tức ngày 15 tháng Giêng Âm lịch), gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường, trừ các địa phương, vùng, khu vực đang thực hiện cách ly vì dịch COVID-19.

Các địa phương có đông công nhân lao động, doanh nghiệp như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, các ngành dệt may, gia giày, túi xách, điện tử, chế biến, nông nghiệp, công nghiệp... có tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc cao, tổ chức sản xuất bình thường.

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 tác động nên một số ngành có tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc thấp hơn, số lượng lao động giảm, giãn thời gian làm việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tạm thời và nghỉ việc nhiều như ngành du lịch, vận tải (đường bộ, đường sắt, đường không), dịch vụ ăn uống, lưu trú...

Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, có xu hướng người lao động thất nghiệp chuyển sang làm việc tạm thời cho các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ như Grab, Now, Gojek, Be, Vietgo.... Nguyên nhân do điều kiện ra nhập và rút lui dễ dàng, không ràng buộc bằng hợp đồng lao động, chi phí tham gia thấp, thời gian làm việc linh hoạt.

Theo như số liệu công bố của các hãng xe, số lượng tài xế tham gia lên tới hàng trăm nghìn người. Chẳng hạn, như Grab thống kê có khoảng 175.000 tài xế, Gojek có khoảng 150.000 tài xế, ứng dụng Be cũng có hơn 100.000 tài xế trên toàn quốc…

Hòa Thanh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh