THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:01

“Không dừng sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn cho người lao động”

* Trong đợt dịch lần thứ 3 này, Hải Dương là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất. Là nơi có số lao động cũng như lượng doanh nghiệp hoạt động tương đối lớn, xin ông cho biết, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người lao động?

Ông Vũ Hồng Khiêm: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương về các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH đã tuyên truyền, phổ biến, triển khai kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chỉ đạo các phòng, đơn vị kích hoạt ngay hệ thống phòng chống dịch bệnh; chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ  đạo thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch liên quan đến trách nhiệm quản lý của ngành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, công tác quản lý lao động là người nước ngoài; quản lý các đối tượng học viên đang được nuôi dưỡng, quản lý tập trung tại các cơ sở xã hội; tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung và khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán 2021; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức cho người lao động ở lại tỉnh Hải Dương đón Tết, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên người lao động, trong đó có người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở lại Hải Dương đón Tết; hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND huyện chỉ đạo rà soát các đối tượng là người cao tuổi, bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng… có liên quan đến dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

 “Không dừng sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn cho người lao động” - Ảnh 1.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương Vũ Hồng Khiêm

* Xin ông cho biết, những việc làm cụ thể mà Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện thời gian qua?

- Từ trước Tết Nguyên đán, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai các phương án về việc hỗ trợ, quản lý, đảm bảo đời sống đối với người lao động, như: Yêu cầu các doanh nghiệp tuyên truyền động viên, xây dựng các phương án đảm bảo người lao động tỉnh ngoài ở lại Hải Dương ăn Tết đều được hỗ trợ; rà soát, lập danh sách người lao động tỉnh ngoài ở lại Hải Dương ăn Tết gửi các huyện, thị xã, thành phố quản lý, theo dõi việc triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án hỗ trợ, chăm lo đời sống đối với người lao động tỉnh ngoài của các doanh nghiệp trên địa bàn; cập nhật thường xuyên số liệu người lao động trong các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp bị mắc Covid-19, số lượng diện F1, F2…

Dịp Tết Nguyên đán, gần 19.000 lao động tỉnh ngoài không về quê, các chủ sử dụng lao động đã có kế hoạch chăm lo, tặng quà, hỗ trợ công nhân ăn Tết. Tỉnh giao Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, triển khai tổ chức thăm, tặng quà cho tổng số 391 người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không về quê ăn Tết (tiền mặt trị giá 500.000 đồng và 112 người lao động được tặng thêm 1 túi quà giá trị từ 150.000 - 200.000 đồng).

Kết quả cập nhật đến ngày 19/2/2021, toàn tỉnh có 364 người lao động trong 19 doanh nghiệp là F0. Số đối tượng F1 đều đã được cách ly tập trung và Công an tỉnh Hải Dương thông báo đến các địa phương nơi người lao động cư trú để phối hợp, tổ chức cách ly, theo dõi dịch tễ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

 “Không dừng sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn cho người lao động” - Ảnh 2.

Doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh phòng dịch cho người lao động

* Hiện diễn biến dịch vẫn rất phức tạp, Hải Dương sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội?

- Nội bộ ngành LĐ-TB&XH, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của tỉnh, cơ quan y tế. Hải Dương đang thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày nên chúng tôi thực hiện chế độ làm việc luân phiên, 50% quân số tại chỗ và 50% thay phiên nhau ở nhà làm việc trực tuyến. Đối tượng F2 đều phải tự cách ly tại nhà. Số anh em làm việc ở các đơn vị liên quan đến chăm sóc đối tượng như ở các đơn vị bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện, trung tâm nuôi dưỡng tâm thần, người có công đều phải được xét nghiệm âm tính mới được quay trở lại làm việc. Các cơ quan, đơn vị đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định như: Phun khử khuẩn, đeo khẩu trang, theo dõi thân nhiệt, ra vào đơn vị theo đúng tinh thần là "ai ở đâu ở đấy". 100% khối văn phòng Sở đều được xét nghiệm Covid-19 và thực hiện khai báo y tế nghiêm ngặt.

Người lao động về nghỉ Tết ở ngoài tỉnh đều chưa được phép quay trở lại Hải Dương làm việc vì tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày.

Còn những lao động ở lại Hải Dương ăn Tết và lao động thường trú, tạm trú tại tỉnh Hải Dương và công nhân sinh sống ngoài huyện Cẩm Giàng không được phép đến các doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng làm việc. Và ngược lại, người đang cư trú trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cũng không được phép ra khỏi huyện để đến các doanh nghiệp ngoài huyện làm việc.

Thứ hai, tất cả doanh nghiệp trên địa bản tỉnh đều phải tự khai báo và đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn phòng chống dịch, tự chịu trách hiệm về công tác phòng chống dịch trong đơn vị mới được phép quay trở lại hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, giám sát nội dung này.

Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều phải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm cho 100% người lao động. Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp nhưng nằm trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cũng phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và đang triển khai để lấy mẫu.

Còn với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, nếu không nằm trong vùng dịch thì trên tinh thần khuyến khích và đề nghị doanh nghiệp bỏ tiền để xét nghiệm cho toàn bộ công nhân và chỉ có thể quay trở lại hoạt động với điều kiện tự chấm điểm đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch.

Riêng các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cần thêm 2 điều kiện nữa là trong vòng 5 ngày kể từ ngày 20/2, các doanh nghiệp phải bố trí cho người lao động ăn ở trong khu tập trung của doanh nghiệp và đảm bảo nghiêm túc các điều kiện về phòng chống dịch mới được hoạt động.

Ngành LĐ-TB&XH đang chỉ đạo và phối hợp với các huyện, doanh nghiệp đôn đốc thực hiện các nội dung trên. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định và các biện pháp về phòng chống dịch với tinh thần "nhiệm vụ số 1 là phòng chống dịch, không dừng sản xuất nhưng các doanh nghiệp hoạt động phải đảm bảo an toàn cho người lao động". Sau khi qua 15 ngày giãn cách xã hội và diễn biến tình hình dịch, các cơ quan mới ra quyết định tiếp. Còn hiện tại, các doanh nghiệp vẫn hoạt động trong các điều kiện trên và chuẩn bị sẵn cho phương án khi dịch ổn định, Hải Dương dừng phong tỏa, doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh