THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:47

FLC và những thương vụ M&A bất động sản ấn tượng năm 2014

Danh mục bất động sản khổng lồ từ M&A

FLC Garden City, tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 3.500 tỷ đồng

Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, quỹ dự án bất động sản của Công ty cổ phần tập đoàn FLC đã tăng vọt, với tổng mức đầu tư dự kiến cho các dự án sở hữu nhờ M&A là 6.000 tỷ đồng. Con số này đủ để FLC ghi tên mình vào danh sách ông lớn lĩnh vực M&A dự án bất động sản. 

Đầu tháng 8/2013, FLC công bố mua lại dự án Alaska Garden City, và sau đó đổi tên thành FLC Garden City, tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, có tổng mức đầu tư lên tới 3.500 tỷ đồng. Mua vào dự án giữa lúc thị trường bất động sản trầm lắng tưởng chừng là quyết định mang tính chơi ngông của FLC, nhưng đến nay đã cho thấy tính hợp lý của quyết định này.

Và đáng nói hơn, không chỉ ghi điểm với FLC Garden City, FLC còn lập luôn cú hat-trick M&A dự án bất động sản khi thực hiện mua vào thêm 2 dự án khác là Ion Complex Tower (nay là FLC Complex Tower) tại 36 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội và The Lavender (nay là FLC Star Tower)  trong năm 2014, đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A lên mức 6.000 tỷ đồng. 

Phối cảnh FLC Complex 36 Phạm Hùng.

Như vậy, ngoài các dự án bất động sản tự phát triển có quy mô đầu tư lên hơn 12.000 tỷ đồng tại khắp các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, dự án BT xây dựng trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa quy mô 7.000 tỷ đồng, M&A đã giúp FLC tăng quy mô đầu tư danh mục dự án của mình lên con số hơn 28.000 tỷ đồng. 

Dường như, thay vì phải mất 5 - 10 năm để sở hữu danh mục dự án lớn như vậy, FLC đã lựa chọn M&A là công cụ để đưa tập đoàn trở thành một ông lớn thực sự trong ngành bất động sản nhà ở tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. 

Lợi ích nhân đôi từ M&A dự án 

Cách đây gần 1 tháng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà công bố thông tin bán hơn 89.000 m2 đất dự án Nam An Khánh cho đối tác, với giá 1.218 tỷ đồng chưa bao gồm các loại thuế và phí. Mức giá bán này chỉ tương đương chưa đến 14 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư theo dõi Sudico đủ lâu sẽ thấy, chỉ 2 năm trước, Ban lãnh đạo công ty này còn kỳ vọng, bán rẻ cũng thu được 20 triệu đồng/m2 hoặc hơn thế nữa. 

Căng thẳng về nguồn lực tài chính, bao gồm cả sức ép và trả nợ và thiếu tiền triển khai hạ tầng cũng như phát triển tiếp dự án có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến Sudico phải bán rẻ 1 phần dự án mà Công ty đã theo đuổi tới hơn… 10 năm. 

Sức ép tài chính của các doanh nghiệp có dự án bị đình trệ lâu ngày dẫn đến việc chấp nhận bán lỗ bằng mọi giá, miễn là có thể thu vốn về làm các dự án khác đã diễn ra trên diện rộng. Đó là lý do vì sao FLC mua được FLC Complex 36 Phạm Hùng với mức giá chỉ bằng hơn 40% mức giá mà một doanh nghiệp khác trước đó đề nghị trả cho chủ đầu tư cũ. 

Phối cảnh dự án Star Tower

Và rõ ràng, khi mà danh sách các dự án bị tồn đọng lên tới con số hàng nghìn, với nhiều dự án đã xong được các khâu vốn rất mất thời gian là giải phóng mặt bằng và quy hoạch chi tiết được chủ đầu tư cũ sẵn sàng cắt lỗ, thì FLC được hưởng lợi ngay lập tức lợi ích từ việc mua dự án giá rẻ và tiết kiệm thời gian chuẩn bị. 

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC cho rằng: "Thời gian để chuẩn bị phát triển 1 dự án bất động sản có thể kéo dài trung bình từ 5 - 10 năm, thì việc mua một dự án đủ khả năng triển khai và bán sản phẩm ngay như của FLC đã giúp tập đoàn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng so với phát triển từ đầu một dự án tương tự". 

Thêm vào đó, việc các dự án này đang là tâm điểm của thị trường, với số lượng sản phẩm được thị trường quan tâm đặt mua từ trước khi mở bán cũng cho thấy mức độ đúng đắn và tính hiệu quả của các dự án mà FLC đã thực hiện M&A. 

Bài toán lợi ích quá rõ ràng, ai cũng nhìn ra, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, vì nó còn đòi hỏi nguồn vốn đủ lớn để mua và phát triển dự án, cùng sự chuẩn bị tâm thế của người đi mua để nắm lấy cơ hội ngay khi nó xuất hiện. 

Tiến Luyến

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh