CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:01

“Ế” chung cư dành cho sinh viên

Còn nhiều bất tiện

Bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối tháng 1/2015, Khu nhà ở dành cho sinh viên Pháp Vân – Tứ  Hiệp được xem như là nỗ lực của Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề nơi ăn chốn ở cho hàng chục nghìn sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố. Khu nhà này được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 40.000m2  trong Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Với 6 tòa nhà, sức chứa lên tới 22.000 sinh viên. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà đi vào sử dụng, đáp ứng gần 11.000 chỗ ở cho sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa...

Theo qui định là 8 người/phòng với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).Thế nhưng, đến nay đã gần 5 tháng,  chung cư sinh viên này vẫn trong tình trạng ế ẩm, số sinh viên dọn đến ở mới chỉ được vài tầng dưới cùng của một tòa nhà.

Lý do nhiều sinh viên không muốn chuyển đến đây ở là vì xa trường học và bất cập trong việc đi lại. Hiện chỉ có duy nhất một tuyến xe buýt đi qua khu nhà, và phải mất 20 - 25 phút mới có một chuyến. Sinh viên trường Đại học Công Nghệ Nguyễn Thị Ngọc Anh (quê Phú Thọ) cho biết lý do: “Việc đi lại khá bất tiện vì mọi người phải dậy từ rất sớm để đi xe buýt, nếu không phải có phương tiện cá nhân như xe đạp hay xe máy.

Lúc đầu em cũng định rủ bạn đến ở cùng nhưng sau khi tìm hiểu thấy bên cạnh những bất tiện về đi lại thì một bất cập nữa là một phòng có 8 người. Vì vậy, mặc dù em đang ở trọ trong khu nhà cấp 4 chật chội, nhưng em vẫn chưa có ý định chuyển đến đấy ở”.

Cận cảnh khu nhà ở dành cho sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp.

Còn Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Xây dựng cho hay: “Qua tìm hiểu thực tế em cũng thấy rằng ở khu nhà này có mức giá rẻ, phòng ở khang trang, sạch đẹp, điện nước đầy đủ… Tuy nhiên, giao thông đi lại thì thực sự bất cập. Khi đi học em sẽ phải đi 2 tuyến xe buýt mới tới được trường.

Bên cạnh đó, theo quy định sau 23 giờ là Ban quản lý sẽ khóa cổng, bảo vệ sẽ không cho bất cứ ai ra vào. Chúng em nhiều lúc có việc hay đi làm thêm về muộn sẽ lâm vào tình cảnh rất khó xử. Đó là chưa kể việc có bạn bè hoặc người thân đến chơi, chúng em cũng không được tiếp khách trong phòng mà phải ra phòng sinh hoạt cộng đồng”.

Cần phải xem xét tính tiện ích đối với sinh viên

Ông Lê Phúc Lợi, Trưởng ban quản lý Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân cho hay: “Vẫn có sinh viên đăng ký tới ở, nhưng chủ yếu chỉ ở trên mạng. Vấn đề tôi thấy khu nhà này không hút khách là do giao thông không được thuận lợi lắm. Hơn nữa tuyến này đi qua Đại học Thăng Long nên chỉ có sinh viên trường Thăng Long mới tiện”.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị cho rằng, nhà đẹp, hiện đại nhưng sinh viên không đến ở là do sự thiếu đồng bộ khi thực hiện đầu tư dự án mà không tính đến việc vận hành sau này. Nơi ở của sinh viên thường được tính toán đến các yếu tố như gần nhiều trường đại học, có nhiều phương tiện giao thông công cộng, thì khu nhà Pháp Vân - Tứ Hiệp rõ ràng chưa đáp ứng được.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nên sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của khi đi vào hoạt động mà thiếu vắng người ở. Những khu nhà ở sinh viên do chính quyền địa phương tổ chức xây dựng như làng sinh viên chẳng hạn, cần phải xem xét thêm, liệu những nơi đó có gần các trường học hay không.

Hơn nữa, cách tổ chức cuộc sống ở đấy theo kiểu quá cổ điển, giống các khu ký túc xá từ thời xưa mà khác với cuộc sống hiện nay. Cuộc sống hiện nay tự do hơn, thoải mái hơn, nhân bản hơn. Thế nên chúng ta phải thay đổi, cần rà soát lại để nếu làm tiếp thì không rơi vào lãng phí, lại không phục vụ đúng nhu cầu nhà ở cho sinh viên. 

Nguyễn Síu

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh