Đường 'nông thôn mới' xuyên rừng đặc dụng
- Pháp luật
- 17:10 - 14/09/2018
Rừng đặc dụng Thần Sa.
Đường “nông thôn mới” mọc trong rừng
Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng sở hữu khoảng 20.000 ha rừng đặc dụng với hình thái rừng núi đá vôi độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nhiều hệ sinh thái chuẩn của vùng núi đá.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Thanh niên, từ năm 2008, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác vàng sa khoáng trên diện tích 37,25 ha, có chỉ giới nằm trong khu vực Bản Ná thuộc xã Thần Sa, cũng nằm trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng.
Nhiều diện tích rừng đặc dụng bị san bạt để làm đường vào khai trường khai thác vàng.
Qua cuộc trao đổi với ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết con đường nêu trên là "đường nông thôn mới", được thực hiện với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long và thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho biết ai là người cho phép chuyển đổi rừng đặc dụng để làm đường thì ông Tiến cho biết "Hồ sơ đã được trình lên các các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên", song không nói rõ cơ quan nào ra quyết định.
Còn thông tin từ báo Tiền phong cho biết, tháng 5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, khi đó là ông Dương Ngọc Long ký quyết định điều chỉnh một số nội dung trong cấp phép khai thác vàng, trong đó cho phép đơn vị khai thác mở rộng quy mô lên 170.254m3, công suất khai thác “cát quặng” 25.000 m3/năm, đồng thời tiếp tục gia hạn cho doanh nghiệp khai thác đến hết năm là 2021. Tổng diện tích được Thái Nguyên cấp cho đơn vị khai thác vàng này hơn 32,6ha.
Sau khi Cty Thăng Long được cấp phép khai thác khoáng sản, giữa rừng đặc dụng Thần Sa, bỗng dưng xuất hiện một con đường bê tông rộng 4m, thẳng tắp chạy về khu mỏ khai thác vàng của Cty Thăng Long. Với con đường “xây dựng nông thôn mới” này, Cty Thăng Long được gọi là nhà hảo tâm tài trợ.
Cùng việc khai thác vàng quy mô lớn, doanh nghiệp đã xây dựng một quần thể kiến trúc trong phạm vi mỏ.
Để khai thác vàng, Cty Thăng Long đã đưa hàng chục máy xúc ủi, xe tải có tải trọng lớn hoạt động đào đãi suốt ngày đêm. Đứng trên đỉnh núi Cô Tiên nhìn xuống Bản Ná thấy nơi đây như đại công trường với máy móc, phương tiện hoạt động rầm rộ. Không những thế, doanh nghiệp còn xây dựng một khu văn phòng 3 tầng khang trang, rộng rãi hơn cả trụ sở UBND xã. Phía sau khu văn phòng, là một quần thể kiến trúc tâm linh rộng hàng nghìn mét vuông. Giữa rừng lại mọc lên quán Karaoke phục vụ công nhân mỏ chẳng khác gì khu đô thị.
Không nên đùn đẩy trách nhiệm
Ngày 24/8/2018, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên - Ngô Xuân Hải có văn bản số 1555 báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên về hiện trạng con đường “Nông thôn mới” do doanh nghiệp khai thác khoáng sản tài trợ chạy xuyên qua rừng đặc dụng văn bản nêu: Đường bê tông đi qua các vị trí Lô 1 khoảnh 1B, tiểu khu 85 thuộc quy hoạch rừng đặc dụng; Lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 85 thuộc khu rừng sản xuất; Lô 4, khoảnh 3 tiểu khu 85 thuộc quy hoạch rừng đặc dụng; Lô 2 khoảnh 4 tiểu khu 85 thuộc quy hoạch rừng đặc dụng.
Đường đi của dân bị đào bới để lấy đất đá đãi vàng.
Tổng chiều dài tuyến đường thực tế là 1870,3 m, trong đó có 1.112,9m khu quy hoạch rừng đặc dụng, phân khu phục hồi sinh thái và 306 m đường thuộc đất rừng đặc dụng sản xuất, 451 m đường trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng trên đều chưa có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tuy đã xác định những công trình sai phạm trên đất rừng đặc dụng nhưng lãnh đạo Sở NN&PTNT Thái Nguyên lại chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân của từng cấp, ngành quản lý, cũng như không đưa ra biện pháp xử lý sự việc này.