THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:47

Đường đến chiến thắng 30/4/1975

“Con đường giải phóng Miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực cách mạng”

Cậu ruột tôi, Thiếu tướng Lê Phi Long, nguyên Cục phó Cục tác chiến, sĩ quan tùy tùng của Tư lệnh cánh quân miền Đông Lê Trọng Tấn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đã đích thân dẫn tôi đến nhà Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, một trong những người trực tiếp tham gia soạn thảo kế hoạch tuyệt mật này.

Trung tướng Lê Hữu Đức sinh năm 1925 tại một làng quê nghèo thuộc huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), cựu học sinh Quốc học Huế. Ông nhập ngũ năm 1945 và được điều động ngay vào đoàn quân Nam tiến. Năm 1947, khi mới 22 tuổi, Lê Hữu Đức đã là một tiểu đoàn trưởng lừng danh ở Khu V và Nam Trung bộ. Năm 1953, ông là người trực tiếp theo dõi các chiến trường miền Nam tại Sở chỉ huy Mường Phăng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những ngày đó, ông học được bài học vô giá về chiến tranh nhân dân ở Đại tướng là “đánh chắc, tiến chắc”, “chắc thắng mới đánh”, đánh thế nào để tốn ít xương máu chiến sĩ nhất.

Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng các đồng chí Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Năm 1965, Lê Hữu Đức được bổ sung vào chiến trường Miền Nam, chỉ huy Sư đoàn 325B rồi Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên. Biệt danh “Đức cụt”, “Hổ cụt Tây Nguyên” (ông bị cụt một tay thời chống Pháp), quân ta kể với niềm tự hào lại làm mất vía Mỹ - ngụy bao phen. Để chắc thắng, để tốn ít xương máu nhất, điều trước hết là phải “biết địch, biết ta”. Công tác trinh sát, nắm địch được ông rất coi trọng.

Mùa xuân năm 1967, ta quyết định tập kịch diệt gọn đồn Chư Pa (tên ngọn núi cao 1484m ở tây bắc Plây Cu), nơi có hai đại đội Mỹ trấn giữ. Quân ta đã chiếm được đỉnh cao, chuẩn bị nổ súng tấn công nhưng bỗng thấy im ắng quá, linh giác mách Lê Hữu Đức có gì bất thường. Ông hủy giờ G, cùng Trung đoàn trưởng Đức Giá và Chính ủy Ngọc Châu bò vào tận đồn trinh sát. Hóa ra, quân địch đã luồn ra ngoài, chờ quân ta vào sẽ “tắm” bom và pháo, rồi từ ngoài đánh vào sẽ diệt nốt những ai còn sống sót. Ông liền cho ngừng trận đánh, tránh được một thảm bại. Có thể kể rất nhiều chuyện như thế về Lê Hữu Đức ở chiến trường.

Từ năm 1972, Lê Hữu Đức được điều động về lại Cục Tác chiến.

Trong Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam 1975. Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Định, ông Trần Văn Trà, ông Trần Độ, ông Lê Trọng Tấn.

Nhìn nhận lại lịch sử, từ Nghị quyết 15, bằng nhiều câu chuyện thực tiễn, từ góc nhìn của một chỉ huy, một nhà lý luận quân sự, trong câu chuyện với chúng tôi, ông càng khẳng định tính đúng đắn của đường lối của Đảng rằng, con đường giải phóng miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực cách mạng, là sự quyết định của chiến thắng quân sự trên chiến trường.

Hiệp định Pa-ri được ký kết, phía ta triệt để tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định; nhưng phía ngụy, chỉ hai giờ sau, đã mở cuộc càn quét ở tây Duy Xuyên, Đại Lộc và mở chiến dịch Lý Thường Kiệt với mục tiêu “tiên phát chế nhân”, đánh mạnh vào các cơ sở chính trị của ta, bao vây kinh tế, xóa bàn đạp, nống quân lấn chiếm vùng giải phóng, hô hào “tràn ngập lãnh thổ”. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Địa bàn chiến tranh hiện nay là xã, ấp. Nếu giải quyết được cuộc chiến tranh ở xã, ấp là giải quyết được 75% toàn bộ cuộc chiến tranh”. Chúng hy vọng cuối năm 1973, quân ta chỉ hoạt động được ở quy mô tiểu đoàn; hy vọng sau đó chỉ cần 15 trung đoàn là có thể quét sạch chủ lực ta.

Tình hình lúc đó được Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh tổng kết lại trong báo cáo trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa IV, ngày 5/2/1974: “Mặc dù Mỹ đã rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hơn 26.000 nhân viên quân sự và hơn 1.500 nhân viên dân sự, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam,(…) duy trì những bộ chỉ huy quân sự trá hình để chỉ huy chính quyền Sài Gòn tiếp tục chiến tranh chống lại nhân dân ta ở miền Nam. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ráo riết thi hành chính sách chống lại Hiệp định, chống lại hòa bình, độc lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc ở miền Nam. Chúng huy động những lực lượng quân sự lớn, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát, đồng thời, dùng máy bay đánh phá dã man các vùng giải phóng… Chúng tiếp tục giam giữ hàng chục vạn tù chính trị và thẳng tay đàn áp, tra tấn, ám hại nhiều người”.

Trước tình hình đó, chúng ta quyết định chuyển sang chuẩn bị lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược. Tháng 7/1973, Ban Chấp hành TƯ Đảng họp hội nghị lần thứ 21, phân tích tình hình và đề ra Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”. Nghị quyết khẳng định: “Con đường cuả cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên''. 

1975, Bộ Tổng Tư lệnh phổ biến kế hoạch quân sự giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Tổ Trung tâm và Kế hoạch tuyệt mật

Tháng 4/1973, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ Trung tâm do Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tổ trưởng và các thành viên gồm: Cục trưởng Tác chiến Vũ Lăng, Cục phó Tác chiến Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức. Tổ này có nhiệm vụ tuyệt mật là xây dựng Kế hoạch giải phóng Miền Nam.

Việc đầu tiên là nắm chắc địch. Vào thời điểm này, ngụy quyền có 70 vạn quân chủ lực (13 sư đoàn, 4 trung đoàn); 369 tiểu đoàn quân địa phương; 1,1 triệu bảo an, dân vệ. Không quân ngụy có 51 phi đoàn với 1110 máy bay; 22 tiểu đoàn thiết giáp (1879 xe), 66 tiểu đoàn pháo binh. Ý đồ của Mỹ - ngụy là xây dựng một quân đội mạnh nhất Đông Nam Á, là tay sai đắc lực của Mỹ. Tổ Trung tâm đã tranh luận rất sôi nổi về hai vấn đề: Một là, quân địch đã yếu (do 50 vạn quân Mỹ và chư hầu rút đi; do mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung) nhưng chưa yếu hẳn, còn khả năng chống đỡ kéo dài. Do đó, Tổ Trung tâm xác định kế hoạch hai năm, thậm chí sang năm thứ ba mới giành thắng lợi hoàn toàn. Hai là,  khi ngụy có nguy cơ sụp đổ, Mỹ có nhảy vào không? Tổ kết luận: Mỹ không quay lại nhưng lực lượng răn đe của Mỹ ở Đông Nam Á gồm 15 200 quân, 1020 máy bay chiến đấu, 56 tàu chiến phải tính đến.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình (Giữa) ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Một vấn đề lớn khác là Hướng tấn công chủ yếu và mục tiêu chủ yếu. Các thành viên trong tổ đều là những chỉ huy chiến lược, do đó nhận thấy: Cứ mỗi lần diệt được một sư đoàn, trong đó có quân tinh nhuệ, sẽ tạo ra một bước ngoặt trong chiến tranh. Như trong chiến dịch Biên giới 1950, tiêu biểu là Điện Biên Phủ, 1954. Biết rõ địch “mạnh hai đầu, nhẹ ở giữa (Quân đoàn I, Quân khu I địch mạnh, chiếm giữ từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi; Quân đoàn III mạnh thì chiếm Miền Đông Nam bộ, bảo vệ Sài Gòn). Đồng chí Vũ Lăng đề xuất “Hướng tấn công chủ yếu là Nam bộ, kho người, kho của” để dứt điểm chiến tranh nhanh. Trong Dự thảo lần thứ nhất mang bí số “306 TG 1” hoàn thành ngày 5/6/1973 ghi rõ:

 “Phương hướng chiến trường, phương hướng các đòn chủ lực:

  1. 1.     Chiến trường chủ yếu là Nam bộ.
  2. 2.     Hướng chủ yếu các đòn chủ lực: Tây Nguyên, miền Đông, Trị Thiên, Quảng Đà. Chủ yếu là Tây Nguyên vì: Địa hình tốt, bảo đảm được binh khí kỹ thuật; kết hợp được đòn tấn công chủ lực với đòn tấn công nổi dậy của đồng bằng Quân khu V; bảo đảm liên tục tấn công; có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất; địch hiện tương đối yếu”. 

Trung tướng Lê Hữu Đức kể: “Vì hiểu Tây Nguyên nên hướng đánh Tây Nguyên do tôi đề xuất và phân tích. Một ngày đầu tháng 6/1973, tôi được phái “vượt cấp” lên báo cáo tình hình chiến trường cho đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Nghe xong, bất ngờ đồng chí hỏi:

-         Bên Bộ Tổng đang làm gì?

Tôi xúc động thưa:

-         Thưa đồng chí, chúng tôi đang nghiên cứu kế hoạch giải phóng Miền Nam trong năm 1975-1976 ạ!

          Nghe thế, đồng chí Bí thư bỗng rạng rỡ hẳn lên, yêu cầu tôi báo cáo những điểm chính và say sưa lắng nghe trong hai tiếng rưỡi rất chăm chú, không hề ngắt lời.

          Nghe xong, đồng chí nói: Những ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu và Quân ủy càng củng cố suy nghĩ của tôi. Tôi sẽ thảo luận ở Bộ Chính trị. Khi nghiên cứu kế hoạch, các đồng chí có thấy khó khăn gì không?

          -Thưa, lần đầu bộ đội ta đánh hợp đồng binh chủng quy mô lớn, ban ngày, giữa đồng bằng trống trải, tấn công vào thành phố lớn, địch phòng ngự kiên cố, nhưng khó khăn đó Bộ Tổng Tham mưu và Quân ủy lo được. Có hai khó khăn cần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Một là quân số bổ sung. Trước đây, mỗi năm ta lấy 6-7 vạn, cao nhất 10 vạn, chủ yếu ở nông thôn. Nay đánh liên tục hai năm thì quân số cần bổ sung gấp đôi, cần tuyển cả ở thành thị, nhà trường, cơ quan…

          - Không lo! Đồng chí Lê Duẩn ngắt lời. Cứ lấy ở thành phố, trường học, cơ quan. Vấn đề này bàn với anh Tô (Phạm Văn Đồng). Còn khó khăn thứ hai?

  - Báo cáo, đó là phương tiện cơ giới làm đường 559. Tác chiến quy mô lớn với xe tăng, đại bác, ô tô chuyển quân cơ động cao, cần mở rộng đường và thông suốt vào tận miền Đông Nam Bộ…

- Cũng đừng lo. Sắp tới đồng chí Phi-đen sang, ta sẽ đề nghị Cu Ba bán đường cho Nhật để mua các máy móc, thiết bị đó. Chiều nay mời đồng chí Tấn và toàn tổ sang làm việc với tôi!.

 Đến tháng 7/1974 thì Kế hoạch đã sửa chữa đến lần thứ 5, mang tên “123 TG1”. Ngày 20/7/1974, đồng chí Lê Duẩn triệu tập Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng đến gặp tại Đồ Sơn. Lúc này, ta đã bắt được Đại tá Nguyễn Văn Thọ ở Khe Sanh. Qua khai thác, Thọ cho rằng, không có Mỹ, Quân lực Cộng hòa giỏi lắm chỉ trụ được hai năm. Sau khi nghe đồng chí Lê Trọng Tấn chính thức báo cáo tình hình chiến trường và Kế hoạch lần thứ 5, đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đi đi lại lại trong phòng, rồi ông dừng bên cửa sổ, mở rộng cánh đón luồng gió mát từ biển thổi vào, vừa phấn khởi, vừa trang nghiêm nói với hai vị tướng: “Hôm nay mời các anh ra đây để bàn vấn đề lớn. Chúng ta phải giải phóng Miền Nam ngay sau khi Mỹ rút… Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu là Bộ Chính trị phải có nghị quyết về tình hình mới để thống nhất hành động, thống nhất ý chí nhằm huy động sức mạnh của cả nước vào sự nghiệp lớn lao này”. Thế rồi đồng chí cho thêm nhiều ý kiến chiến lược”.

Tiếp thu ý kiến của đồng chí Lê Duẩn, Tổ Trung tâm tiếp tục hoàn thiện kế hoạch. Bản Dự thảo lần thứ 8 mang mã số 288 TG 1 được trình để phiên họp Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, có các đồng chí phụ trách các chiến trường dự thảo luận.

Bản Kế hoạch lần này đề xuất ba phương án: Một là, Tổng tấn công chiến lược. Hướng tiêu diệt chủ yếu là Tây Nguyên. Hướng tấn công chủ yếu và nổi dậy là miền Đông Nam bộ và Sài Gòn. Hai là, Tổng tấn công và Tổng Khởi nghĩa song song. Tập trung lực lượng vào hai trọng điểm: Sài Gòn – miền Đông và Trị Thiên – Đà Nẵng. Ba là, Tổng Khởi nghĩa kết hợp Tổng tấn công.

Hội nghị này đã nhất trí lựa chọn Phương án I, phương án ưu tiên của Bộ Tổng Tham mưu và quyết định khi thời cơ đến, sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. 

Tổng Bí thư và Đại tướng 

Trung tướng Lê Hữu Đức như sống lại những ngày lịch sử. Điều gì người ta dành hết tình cảm và sự quan tâm cho nó thì sẽ được khắc ghi mãi mãi. Nói về những ngày công tác tại Cục Tác chiến và Tổ Trung tâm, dường như ông không quên một chi tiết nào. Đó là thời kỳ ông được làm việc trực tiếp và có nhiều kỷ niệm sâu sắc, khiến ông xúc động và kính phục tình cảm lớn đối với dân, với nước và sự thiên tài của Đồng chí Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 11/3/1975, khi ta đã thắng lớn và hoàn toàn làm chủ Buôn Ma Thuột, cắt đứt đường 19, 21, đánh bại các cuộc phản kích của Sư 23 ngụy; trong cuộc họp của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy; đồng chí Lê Duẩn đề xuất: “Trước ta dự kiến hai năm giải phóng Miền Nam, nay tiếp theo Phước Long, ta có Buôn Ma Thuột, ta có thể đẩy mạnh hơn không? Đề nghị Bộ Chính trị và các anh bên Quân ủy Trung ương suy nghĩ xem ta có thể chuyển sang Tổng tấn công chiến lược trên toàn miền Nam chưa?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy là người đầu tiên ủng hộ đề xuất này. Sau đó toàn thể Bộ Chính trị đều tán thành.

Tiếp thu, triển khai quyết tâm của Bộ Chính trị; căn cứ thực tiễn chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra một mệnh lệnh nổi tiếng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, một mệnh lệnh mang đến phương châm hành động rõ ràng, tạo ra sức mạnh gấp bội để làm nên chiến thắng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!”

Tổng Bí thư và Đại tướng có nhiều điểm khác biệt trong tính cách nhưng đặc biệt giống nhau ở lòng yêu nước, yêu dân thấm vào cốt tủy; ở sự coi trọng thực tiễn và có sự nhạy bén, một thiên tài để đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt trong những thời điểm quyết định của lịch sử. Đồng chí Lê Duẩn lý giải điều này:  “Khi người ta đã yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, thì họ sẽ luôn tìm được con đường đúng nhất”. Còn Đại tướng thì nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Về quan hệ giữa người lãnh đạo cao nhất của Đảng và người lãnh đạo cao nhất của quân đội, không có ai đủ thẩm quyền, khách quan hơn Đại tướng. Đại tướng từng viết: "Với tôi (Võ Nguyên Giáp), những năm công tác trong Bộ Chính trị, Anh (Lê Duẩn) đã thường xuyên trao đổi ý kiến, thường là nhanh chóng đi đến nhất trí trong những vấn đề lớn; khi có ý kiến khác nhau thì tranh luận thẳng thắn, những điều chưa nhất trí thì chờ thực tiễn kiểm nghiệm. Lúc mới ra Bắc, Anh thường tâm sự với tôi những khó khăn trong công việc... Từ sau Đại hội III và Đại hội IV, tôi đã ba lần đề nghị Anh là Tổng Bí thư kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Anh nói với tôi: "Anh (Võ Nguyên Giáp) là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như vậy có lợi cho lãnh đạo".

Với tinh thần yêu nước sâu sắc, được sự dìu dắt, rèn luyện của Bác Hồ, đất nước ta đã có những nhà lãnh đạo kiệt xuất, trong đó có bộ đôi Lê Duẩn – Võ Nguyên Giáp, những người đóng vai trò đặc biệt quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.

NGUYỄN SĨ ĐẠI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh