Tử tù Dương Chí Dũng sẽ được cứu mạng bằng cách nào?
- Pháp luật
- 21:36 - 07/01/2016
Bồi hoàn ít nhất 3/4 tài sản vi phạm, hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra hoặc lập công lớn là có thể thoát án tử hình đối với tội phạm tham nhũng. Dư luận đặt tình huống, các bị cáo bị tuyên phạt tử hình như án Dương Chí Dũng sẽ thoát án tử từ 1/7/2016, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực?
Dương Chí Dũng trong phiên xử hồi giữa năm 2014. Ảnh: Bảo Thắng. |
Sẽ hồi tố khi có lợi cho người phạm tội
Bộ Tư pháp vừa họp báo về công tác quý IV, trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý được đưa ra trao đổi với báo giới, như việc nộp tiền để thoát án tử đối với tội phạm tham nhũng. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính) cho hay, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng như hướng dẫn của cơ quan chức năng, các bị án trong các vụ án tham nhũng, muốn thoát án tử hình sẽ phải bồi hoàn ít nhất 3/4 tài sản vi phạm, đồng thời phải hỗ trợ tích cực cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án, hoặc lập công lớn.
Đánh giá về quy định mới này, luật sư Vi Văn A (Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, dù có nhiều ý kiến khác nhau thời điểm lấy ý kiến cho dự thảo chế định này, nhưng theo cá nhân ông, đây là chế định đúng với định hướng xây dựng pháp luật theo bản chất tội phạm. “Những tội phạm liên quan đến kinh tế, việc áp dụng các biện pháp kinh tế để xử lý là đúng đắn. Đó là định hướng xây dựng pháp luật của các cộng đồng, hướng tới việc đi đúng với bản chất của các loại tội phạm”- luật sư Vi Văn A phân tích.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung (Giám đốc Cty luật Trung Nguyễn, Đoàn Luật sư Hà Nội) bổ sung, về nguyên tắc pháp lý, tất cả trường hợp liên quan đến tội phạm tham nhũng, nếu chưa thi hành án, hoàn toàn có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố để thoát án tử hình. Chính vì vậy, ông Trung cho rằng, việc cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng được áp dụng nguyên tắc này cũng không có gì là lạ.
Nộp hơn 7 tỷ đồng, Dương Chí Dũng thoát án tử hình?
Tại khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Cựu trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Dương Chí Dũng bị tuyên tử hình về hành vi tham ô tài sản, số tiền 10 tỷ đồng và liên đới 100 tỷ đồng với tội danh Cố ý làm trái. Chiểu theo điều luật nói trên, nếu bàn riêng về vấn đề tài chính, ông Dũng có thể sẽ thoát án tử hình khi chỉ cần bồi hoàn 3/4 trong số 10 tỷ đồng của tội Tham ô tài sản.
Tuy vậy, điều quan trọng không kém trong điều luật, đó chính là hành vi “hỗ trợ tích cực” cho cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án. Tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh, các hướng dẫn đã lưu ý tới việc các bị án phải lập công lớn hoặc tích cực hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình xử lý tội phạm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, từ ngày 1/7/2016, các án kiểu Dương Chí Dũng sẽ dễ dàng thoát án tử hình khi bồi hoàn số tiền theo luật định. Tuy vậy, đánh giá tổng thể vụ án, các chuyên gia pháp lý phân tích, chuyện không đơn giản như vậy. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ án, Dương Chí Dũng đã không nhận tội, nghĩa là không được áp dụng tình tiết quan trọng “Thành khẩn khai báo” hoặc “Ăn năn hối cải”. Và khi đã không nhận tội, đó sẽ là một sự cản trở không hề nhỏ trong quá trình xem xét thay đổi mức án đối với cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam…
Phải nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ
Tại khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Chỉ là yếu tố giảm nhẹ
Cũng cần phải nói thêm, vấn đề khắc phục, bồi hoàn tài sản chỉ là yếu tố xem xét giảm nhẹ, chưa phải là lý do quyết định. Luật nói ít nhất phải bồi hoàn 3/4 , không có nghĩa 1/4 còn lại họ được giữ, hoặc tẩu tán cho người thân. Có một thực tế là, khi nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui, hầu như khối tài sản đã bị “chuyển hóa” sang nhiều chủ thể khác nhau, thậm chí là đã thất thoát phần lớn và luôn khó khăn trong công việc thu hồi. Chính vì vậy, khi quy định thu hồi 3/4 tài sản để xem là hình thức giảm nhẹ đáng kể cũng là hợp lý. Ngoài ra, nếu kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh khối tài sản 1/4 còn lại, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể thu hồi theo luật định. Khi đã hội tụ đủ yếu tố để giảm án, nếu quá trình thụ án tù chung thân, người phạm tội không có ý thức bồi hoàn nốt số tiền nói trên, dù có khả năng bồi hoàn và số tiền tham nhũng thực tế vẫn còn, họ có thể sẽ không được xem xét để giảm án và phải ngồi tù suốt đời.
(Luật sư Phạm Thanh Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
|
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
5 tháng trước
Tin nên đọc