CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Đừng gọi họ là ca sĩ, vì họ chỉ là thợ hát!

 

Không có họ, số đông công chúng không biết được tác phẩm bởi vì không phải nhạc sĩ sáng tác nào cũng biết hát và cho dù có hát được cũng không thể làm thay công việc của ca sĩ. Mà âm nhạc lại phải được vang lên, chứ không thể chỉ ở trên trang giấy và đọc bằng mắt...

Trong lịch sử, từng có nhiều ca sĩ đã khiến biết bao tác phẩm thanh nhạc có được đời sống lâu bền bởi sự sáng tạo lần thứ hai của họ. Nhớ bài hát, nhiều người nhớ ngay đến tên tuổi ca sĩ đã hát, mặc dù tác phẩm xuất hiện đã từ rất lâu. Đó là các trường hợp: Thương Huyền với "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của Nguyễn Đức Toàn, Khánh Vân với "Bài ca hy vọng” của Văn Ký, Trần Khánh với "Tình ca" của Hoàng Việt, "Tôi là người thợ mỏ" của Hoàng Vân; Quốc Hương với "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" của Trần Kiết Tường, "Hà Tây quê lụa" của Nhật Lai, Trung Kiên với "Chào Sông Mã anh hùng" của Xuân Giao; Tường Vi với "Cô gái vót chông" của Hoàng Hiệp, "Tiếng đàn Ta Lư" của Huy Thục… Còn rất nhiều trường hợp khác nữa không thể kể hết. Lao động sáng tạo của những ca sĩ đạt được thành công lớn như vậy quả là rất đáng kể.

Dĩ nhiên là những bài hát hay tự thân đã có giá trị, song, nếu không gặp được những ca sĩ có tài, lao động hết mình, hẳn là không dễ gì có thể đến được với công chúng, chưa nói trở nên nổi tiếng. Số lượng những bài hát hay nhưng không có số phận may mắn để gặp được ca sĩ giỏi, rốt cuộc hoặc là phải vĩnh viễn chìm trong bóng tối hoặc là "chết yểu" hẳn cũng không ít. Ngược lại, cũng có những ca khúc vốn chỉ bình thường nhưng nhờ cách hát, cách xử lý đầy nghệ thuật của ca sĩ mà đã trở nên hay thêm.

Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các ca sĩ. Họ đưa cho tôi văn bản bài hát do tác giả trao cho họ. Đến khi nghe họ hát ở đâu đó (làn sóng phát thanh, truyền hình, các sân khấu…), tôi thấy họ có những xử lý khác hay hơn nhiều so với văn bản. Có khi là thay đổi hẳn một số nốt, một vài âm hình tiết tấu. Có khi là sự nhắc lại một câu, một tiết nhạc nào đó hoặc ngược lại, lược bỏ đi. Nghe thấy hiệu quả hơn rõ rệt.

Tiết mục biểu diễn bốc lửa của một nhóm ca sĩ trẻ trên quê hương Quan họ.

Nhưng phải nói thực rằng, những trường hợp như trên là hiếm hoi so với ngược lại, làm giảm sút giá trị tác phẩm. Nhiều bài, ca sĩ đã không hát được đúng tốc độ phù hợp nhất. Chỉ cần hát nhanh (hoặc chậm) hơn một chút cũng đủ "giết" tác phẩm. Mà không phải nhạc sĩ nào cũng chú ý ghi rõ quy định tốc độ trong bài. Có khi ca sĩ tự ý thay đổi nốt nhạc theo một thói quen dễ dãi khiến giai điệu từ chỗ "đắt" trở nên rẻ tiền, tầm thường. Lại có người trình độ nhạc lý yếu, xướng âm không đúng, bản nhạc ghi một đằng, hát một nẻo hoặc thay đổi tiết tấu bài hát, thích kết nhấc lên một quãng 8 mặc dù tác giả không ghi. Có không ít ca sĩ rất mauvais gout (thị hiếu thẩm mĩ thấp kém), không nhận ra được tính chất sang trọng, tình cảm sâu sắc của tác phẩm đã thể hiện rất hời hợt, tầm thường bằng một vài tiếng nấc, luyến láy hết sức dông dài khiến tác giả khi nghe tác phẩm của mình đã không giấu được sự bực bội, phiền lòng.

Đứa con họ sinh ra vốn dĩ lành lặn, khoẻ mạnh, còn kháu khỉnh, bụ bẫm nữa, nhưng đã bị những người chăm sóc đầu tiên ở nhà hộ sinh làm cho nó méo mó, biến dạng bởi sự cẩu thả, tắc trách và hạn chế, kém cỏi về năng lực chuyên môn. Chẳng những xử lý dở về âm nhạc, họ còn hát nhầm lời mà toàn những cái nhầm làm cho bài hát trở nên ngây ngô, ngớ ngẩn. Các nhạc sĩ có bài được sử dụng trên các làn sóng, biểu diễn trên các sân khấu phàn nàn với tôi là họ đều có nhiều tác phẩm bị như vậy. Chỉ xin đơn cử vài trường hợp: Bài "Cùng anh tiến quân trên đường dài" của Huy Du được tác giả viết ở nhịp 2/4. Nhưng khá nhiều người đã hát đoạn 1 thành 3/4: "Qua núi qua sông qua đồng lúa chín, ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha. Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân sáng lên bài ca những người anh hùng…". Các chiến sĩ trẻ noi gương Nguyễn Viết Xuân, cùng tiến bước theo người anh hùng liệt sĩ trên mỗi chặng đường hành quân. Bước đi của họ khoan thai, chững chạc, đàng hoàng, tràn ngập niềm tin yêu lạc quan bởi họ đang được đốt cháy trong tim bằng ngọn lửa chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nếu hát thành 3/4 sẽ không có điều đó nữa mà trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí còn gây cho người nghe cảm giác những bước "tiến quân" được diễn tả bởi những người lê gót trong chuếnh choáng, lảo đảo của hơi men.

Bài thứ 2 là "Tình em biển cả" của Nguyễn Đức Toàn cũng bị nhiều ca sĩ xử lý tương tự. Nhạc sĩ viết ở nhịp 2/4. Họ cứ hát thành 3/4 hoặc 6/8. Nghe rất rề rà, buồn tẻ. Bài hát hay là vậy, đặc biệt có mấy chỗ tác giả cho xuất hiện những chùm 3 nốt (triolet) ở đoạn hai thật đắt nhưng người hát đã làm mất hiệu quả. Bao nhiêu trăn trở, tìm tòi của người nhạc sĩ, chỉ vì cẩu thả, dễ dãi hoặc hạn chế trong cảm thụ thẩm mĩ đã phải đổ xuống sông, xuống biển một cách uổng phí. "Vào lăng viếng Bác" của Hoàng Hiệp cũng bị nhiều ca sĩ "bóp méo" tác phẩm bằng cách hát đoạn một từ nhịp 4/4 thành nhịp 3/4. Nhạc sĩ đã dành tiết tấu 6/8 cho đoạn 2, bắt đầu từ chỗ: "Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên…", nghĩa là có sự thay đổi tiết tấu giữa hai đoạn. Vậy mà ngay vào đoạn 1, người hát đã hát giống đoạn 2 khiến bài hát trở nên nhàm tẻ, đơn điệu (monotone).

Tình hình trên có chiều hướng gia tăng đối với những ca sĩ đã bắt đầu có chút khẳng định nghề nghiệp. Còn trẻ, tên tuổi còn lạ hoắc thì họ cẩn thận, chu đáo, tận tụy, chịu khó nghiền ngẫm tác phẩm. Nhiều nghệ sĩ có danh hiệu ưu tú hoặc nhân dân, đã đứng tuổi thì cũng tự trọng để làm việc nghiêm túc. Họ không nhận hát thì thôi, đã nhận thường là có trách nhiệm.

Đáng phàn nàn là đám ca sĩ choai choai, vừa nổi, đang "đắt hàng". Nhiều người - tất nhiên không phải là tất cả - coi ca hát như một nghề nghiệp kiếm tiền thuần túy. Họ đã hát như những… thợ hát chưa phải đã lành nghề. Họ có mặt ở đủ các Gala, nhạc hội, các đêm nhạc nọ, chương trình kia với rất nhiều tên gọi thật là "kêu", hấp dẫn. Ngày Thương binh liệt sĩ, người ta trân trọng mời những người đã có công lớn trong chiến tranh đến thưởng thức một chương trình ca nhạc. Những ca sĩ trên sân khấu bất chấp ở dưới là những ai, họ đã thi nhau múa may, quay cuồng với những trang phục nhố nhăng nhất để trình diễn những bài ca hoặc là Tây, Tàu đâu đâu, hoặc là trong nước nhưng sướt mướt, ỉ eo, hay cuồng nhiệt, náo loạn. Điều dễ hiểu là phần lớn đám ca sĩ trong chương trình này còn trẻ, không biết và cũng không thích hát những bài phù hợp với anh, chị em thương binh hôm đó - những bài tạo nên diện mạo đặc sắc nền ca khúc Việt Nam một thời. Như vậy đã đáng phàn nàn lắm. Nhưng hẳn là mọi người không biết được "nội tình" - những chuyện trong "cánh gà" sân khấu mà đoạn đối thoại sau đây giữa một ca sĩ vào loại đang "nổi tiếng" với người chủ trì tổ chức buổi "phục vụ" hôm đó đã phần nào "vạch áo cho người xem lưng":

Ca sĩ:

- Ít nhất cũng phải 5.000.000đ một đứa một "sô". Còn loại như cháu, ở ngoài Bắc này phải hàng chục triệu. Đi xa phải hơn nữa. Còn diễn trong Sài Gòn tất nhiên phải hơn rất nhiều.

Người chủ trì:

- Nhưng đây là phục vụ thương binh và gia đình liệt sĩ. Kinh phí cơ quan rất có hạn. Các cháu vui lòng phục vụ là chính, nhận mức thù lao ít hơn được không?

- Không được đâu chú ạ. Chúng cháu phải giữ giá của mình chứ. Bọn cháu mà hạ giá tùy tiện thì bọn khác nó đâu có để yên.

Giấy mời đã phát rồi. Mọi thứ đã chuẩn bị, đành đâm lao phải theo lao. Thế là phải đáp ứng đúng đòi hỏi của đám ca sĩ kia. Và họ đã quan niệm thế là giá trị (?). Càng "chém" nặng tay, càng được trả nhiều tiền, càng giá trị, dù bất cứ ở đâu. Mỉa mai thay một cuộc ca hát phục vụ thương binh!

Quá nặng về tiền, ắt là phải làm ẩu, không thể bỏ nhiều công sức. Những ca sĩ này không dại gì mất công tìm kiếm những tác phẩm mới, biết có thể có giá trị nhưng tập tành lâu, mệt, bèn đổ xô đến những bài đã lây lan như bệnh dịch, nghe đến nhàm tai. Mà lạ thay, thời nay có cái mốt nữ ca sĩ để tóc gần như trọc, ra hát (trên sân khấu hoặc tivi) thì cứ nhắm nghiền mắt, miệng thì cứ như muốn nuốt chửng micrô, mặt mũi thì cứ nhăn nhó mà nội dung bài hát nào có đau khổ chi đâu, ăn mặc thì kỳ quái đến lạ, trông cứ y như… xin lỗi, kẻ dở người, tâm thần ngoài đường. Con người ta có đôi mắt để truyền cảm, giao lưu, lại nhắm nghiền lại. Người khiếm thị mong có đôi mắt sáng, mình đang có mắt lại muốn… rủi ro!

Và trang phục của nhiều nữ ca sĩ khi biểu diễn thì quả là… hết nói.

Học hành thì biếng nhác. Họ cho rằng cứ có cái mẽ học ở nhạc viện ra đã là oai. Ngày trước, các bậc cha anh còn học Tây, học Tàu rồi thuộc lòng kho dân ca khắp các vùng, các dân tộc. Bây giờ họ rất ngại học và đọc, càng xa lạ với những giá trị truyền thống. Cung cách của họ chỉ có thể kích thích nhạc sĩ đổ xô sáng tác… "hàng chợ", lái công chúng tới những ham thích thưởng thức âm nhạc thấp kém. Đáng buồn thay, một vài tờ báo đã thay vì uốn nắn, lại phụ hoạ thêm bằng việc thực hiện những bài giới thiệu họ như những ngôi sao sáng chói, tài năng kiệt xuất trên bầu trời ca hát Việt Nam. Truyền hình thì cũng thi nhau "lăng xê", tôn vinh họ. Ca sĩ đang "nổi" được coi là "ngôi sao", xuất hiện trên kênh truyền hình phải tới hàng chục lần, người đóng vai trò MC còn sẵn sàng giới thiệu cả chồng, con cô ta cùng những chi tiết sinh hoạt đời thường của cô. Nghe mới lố làm sao.

Những tên tuổi ca sĩ ngày trước mà tôi nhắc tới ở phần trên, khi đã nổi tiếng họ vẫn còn kéo dài mãi sự cao đẹp về nhân cách và tài năng đến hết cuộc đời. Bây giờ vừa sớm nổi đã ngộ nhận và tự cho quyền mặc cả với xã hội, không trách tài năng sớm dừng lại. Có người tuổi chưa tới 30 mà xem ra sức bật đâu còn nhiều.

Tất nhiên, không phải ca sĩ trẻ nào cũng xử sự như vậy. Song đây quả thực là một xu hướng trong xã hội, chúng ta không thể không có thái độ nghiêm khắc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh