THỨ BA, NGÀY 28 THÁNG 01 NĂM 2025 09:01

Dừng đổ lỗi cho nạn nhân bị bạo lực học đường!

Trẻ phải làm gì thì mới bị bạn đánh chứ?!

N.P.A. (học lớp 8) về kể với mẹ, hôm nay ở lớp cô bé bị một bạn nam chửi và ném giẻ lau vào mặt. Con rất muốn phản kháng nhưng vì bạn nam đó cầm đầu một nhóm học sinh cá biệt hay đánh nhau nên con không thể làm gì được. Con đã chọn cách mách cô chủ nhiệm để được cô trợ giúp, nhưng cô lại hỏi con: “Thế chị làm gì để anh T. Đ. (tên học sinh nam gây bạo lực) đánh?”. Cô chủ nhiệm của N.P.A. thay vì tìm hiểu sự tình và hòa giải hai học sinh thì ngay lập tức đổ lỗi lên đầu học sinh bị bạo hành. N.P.A. rất ấm ức vì đã bị bạn bắt nạt mà lại không được cô chủ nhiệm bảo vệ, và cũng kể từ đó em không còn tin tưởng vào cô giáo chủ nhiệm.

Anh N.H.M. là một phụ huynh có con thường xuyên bắt nạt các bạn, nhưng khi giáo viên chủ nhiệm phản ánh thì thay vì hỏi lại con sự việc và xin lỗi các gia đình học sinh mà con bắt nạt, anh khăng khăng cho rằng, con mình ở nhà rất ngoan và nghe lời cha mẹ, nếu những học sinh kia không làm gì quá đáng thì chắc chắn con không gây ẩu đả.

bao-luc-hoc-duong-o-viet-nam-dang-co-xu-huong-tang-va-nghiem-trong-hon_2203164940--1-

Những cô giáo và phụ huynh có thái độ đổ lỗi cho nạn nhân như trong hai câu chuyện kể trên thực sự không hề ít trong xã hội hiện nay. Nó làm tôi nhớ lại một số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Khi câu chuyện về những đứa trẻ bị xâm hại được báo chí thông tin, ngay lập tức một số cư dân mạng bình phẩm rằng, chắc là đứa trẻ đó ăn mặc hớ hênh hoặc có hành vi, cử chỉ gợi dục khiến cho đối phương nổi lòng ham muốn. Đây là một quan điểm vô cùng sai trái và thiếu tính nhân văn. Trên thực tế, không chỉ những nữ sinh 15-16 tuổi mới bị kẻ xấu dâm ô hoặc xâm hại, có những bé gái chỉ mới 4-5 tuổi, thậm chí sơ sinh đã bị xâm hại tình dục. Vậy những bé gái đó có thể có những hành vi gợi dục?!

Quay trở lại câu chuyện bạo lực học đường đang nóng trong dư luận xã hội gần đây, nhiều phân tích của các chuyên gia tâm lý cho biết, học sinh gây ra bạo lực học đường thường do mâu thuẫn, đố kỵ, ghen tuông hoặc trêu chọc quá đà… Nhưng cũng có trường hợp, nạn nhân không làm gì vẫn có thể bị bạo hành. Học sinh, nhất là học sinh lứa tuổi mới lớn có thể gây ra các vụ ẩu đả trong trường học chỉ vì những lý do rất vu vơ, vụn vặt như nhìn thấy ngứa mắt, đứa đó học giỏi hơn mình, người mình thích không thích mình mà lại thích đứa đó…

Dù vì bất cứ lý do gì thì hành vi bạo lực là hành vi sai trái và học sinh bị bạo lực học đường cần được pháp luật bảo vệ.

Bạo lực học đường là vi phạm pháp luật

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em của Hội cho biết: “Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP có đưa ra định nghĩa về bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục.Theo quy định trên, bạo lực học đường là những hành vi xâm phạm đến quyền “bất khả xâm phạm về thân thể” được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, bạo lực học đường là hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật”.

Là người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho học sinh bị bạo lực học đường, luật sư Phạm Thị Bích Hảo chia sẻ: “Có nhiều em học sinh bị bạn đánh hội đồng dẫn đến ảnh hưởng tâm lý. Sau khi tìm hiểu thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc em bị bạo lực học đường là do thiếu kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, khi em bị các bạn dọa đánh đập thì không thông báo ngay cho cha mẹ, thầy cô để có biện pháp can thiệp. Như vậy, có thể thấy, mặc dù là nguyên nhân gì dẫn đến việc các em bị bạo lực học đường thì hành vi bạo lực học đường vẫn là hành vi vi phạm pháp luật”.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo trong một buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực học đường tại Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo trong một buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực học đường tại Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, để hạn chế bạo lực học đường, việc trang bị các kỹ năng cho các em học sinh là hết sức cần thiết. Do vậy, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực học đường đến các trường THCS, THPT trên khắp địa bàn thành phố. Trong tháng 11 vừa qua, nhằm hưởng ứng ngày kỷ niệm 11 năm Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11/2012-9/11/2023, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tổ chức hơn 10 buổi tuyên truyền pháp luật đến các em học sinh trên khắp trường học tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp các em học sinh được tiếp cận thêm nhiều khía cạnh khác nhau của công tác phòng, chống bạo lực học đường. Từ đó, giúp các em nâng cao nhận thức về bạo lực học đường cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các hành động bạo lực và tác hại, hậu quả của chúng xâm nhập vào môi trường học đường; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

THẠCH THẢO

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh