CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:06

Những thông tin thất thiệt về bắt cóc trẻ em

 

Đến ngày 24/2, mặc dù Công an quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định thông tin về việc một bé trai mặc áo đỏ, đeo kính cận suýt bị một phụ nữ bắt cóc trước một trung tâm điện máy là sai sự thật, nhưng đoạn clip vẫn lan truyền trên mạng. Đại tá Trà Văn Lào, Trưởng Công an quận Gò Vấp, nói: “Thông tin đó không chính xác, người phụ nữ được cho là kẻ bắt cóc chính là mẹ của bé trai”.

Cảnh giác sớm còn hơn phải ân hận (!?)

Trước đó, ngày 19/2, trên trang Facebook cá nhân, một cô gái đã cho đăng đoạn clip ghi cảnh bé trai mặc áo đỏ, đeo kính cận ngồi khóc nức nở, kèm theo lời bình: “Hôm qua, mình đi điện máy Quang Trung thấy cậu bé này. Em ấy đang đi trên đường thì gặp một phụ nữ lạ tự xưng là mẹ em rồi đánh em ấy. Em sém bị cướp điện thoại luôn, em sợ quá chạy vào siêu thị điện máy kêu cứu. Hên quá, bên đây gọi cho công an để đưa em về nhà”.

 

Thông tin bé trai suýt bị bắt cóc ở quận Gò Vấp, TP HCM là sai sự thật
Thông tin bé trai suýt bị bắt cóc ở quận Gò Vấp, là sai sự thật

Để thêm phần ly kỳ, cô gái này còn cảnh báo các bà mẹ: “Mong các bạn đừng để con đi một mình nhé. Clip này tự mình quay lại luôn đó. Xã hội bây giờ rối ren, phức tạp là thế. Vậy mà nhiều khi vẫn thấy nhiều bậc cha mẹ chưa có sự quan tâm đúng mực đến chính con cái của họ. Các bé còn quá nhỏ để tránh khỏi đầy rẫy những nguy hiểm rình rập bên ngoài kia”.

Ngay sau đó, đoạn clip này đã được hàng ngàn lượt chia sẻ, nhanh chóng tràn ngập các diễn đàn, mạng xã hội kèm theo những lời bình luận méo mó, gây nhiễu loạn thông tin. Nói về vấn đề này, đại tá Trà Văn Lào khẳng định: “Sau khi nhận được tin của người dân thông báo vụ việc, chúng tôi đã cử lực lượng xuống xác minh. Sự thật, người phụ nữ bị cho là kẻ bắt cóc chính là mẹ của bé trai. Do gia đình có nhiều bất đồng nên cháu không sống chung với mẹ mà sống với ông ngoại, khi gặp mẹ trên đường thì cháu bỏ chạy và khóc thét. Người đi đường hiếu kỳ nên quay phim lại rồi tung lên mạng”.

Thời gian qua, thông tin bắt cóc trẻ em được các ông bố, bà mẹ chia sẻ hàng loạt trên trang Facebook cá nhân. Mặc dù không biết thông tin chính xác đến đâu nhưng nhiều người vẫn chia sẻ vì cho rằng cảnh giác sớm còn hơn phải ân hận vì để mất con.

Một người đàn ông đã loan tin trên Facebook rằng, ông chứng kiến cảnh bắt cóc con nít trắng trợn trên đường Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận. “Tên bắt cóc mặc áo trắng, giật một cậu bé ngồi trong xe đẩy khi người bố lơ là và nhảy lên xe có người chờ sẵn. Một vài người cố chạy theo và hô hoán nhưng con đường xe đông nên không biết 2 xe chạy nhanh có đuổi kịp bọn bắt cóc hay không?” - người này diễn tả. Tuy nhiên, chúng tôi đi khắp con đường trên, hỏi thăm người dân nhưng ai cũng lắc đầu và cho biết không nghe thấy có vụ bắt cóc nào xảy ra trong thời gian qua.

Phải có trách nhiệm khi chia sẻ trên mạng

Nhiều người còn đưa thông tin mình chứng kiến một vụ bắt cóc với kịch bản giống nhau như đúc. Đó là kẻ bắt cóc giật trẻ từ tay các bà mẹ rồi lên xe bỏ chạy, người bị mất con ngồi khóc nức nở trên đường. Kịch bản bắt cóc trẻ em kiểu này được cho là xảy ra trên đường Lãnh Binh Thăng (quận 11) và tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh).

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến các nơi này tìm hiểu thì người dân đều cười bởi vì đó chỉ là “tin vịt” trên mạng do những kẻ rỗi hơi tự nghĩ ra rồi đăng lên để “câu like” hoặc những người bán hàng online, mua bán đa cấp muốn nhiều người theo dõi trang Facebook của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiện nay, trên mạng đầy rẫy thông tin sai sự thật; những thông tin bắt cóc trẻ em tại các quận, huyện ở TP  cũng tràn lan. Cho đến nay, Công an TP  chưa nhận được tin báo nào tố giác tội phạm của người dân về việc trẻ em bị giật trên tay mẹ từ những kẻ lạ mặt. Người dân không nên tin vào những kịch bản bắt cóc tưởng tượng này và phải có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin để tránh làm người thân, cộng đồng hoang mang. Nếu phát hiện người nào tung tin đồn, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - đại tá Quang nói.

Theo tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), việc đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội là vi phạm quy định của pháp luật. Nội dung sai sự thật có thể gây hoang mang dư luận và để lại hậu quả rất nặng nề. “Người sử dụng internet cần tỉnh táo trước các thông tin trên mạng xã hội để tránh bị lừa gạt, dụ dỗ hoặc bị lôi kéo tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Nhà cung cấp mạng xã hội cần có các biện pháp ngăn chặn việc đưa tin sai sự thật của các phần tử xấu. Cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi đưa tin sai sự thật để đạt được mục đích cá nhân hoặc nhằm gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến trị an xã hội” - ông Trạch nói.

Có thể bị phạt 50 triệu đồng hoặc lãnh án tù

Các hành vi vi phạm điển hình như:

Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, virus máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet.

Tùy vào mức độ nặng, nhẹ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc xử lý hình sự theo điều 121, 122 Bộ luật Hình sự với mức án rất nghiêm khắc.

Phạm Dũng/nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh