THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:22

Chuyện làng đúc đồng nghìn năm tuổi

 

Đại Bái có 1000 năm làm nghề.

Hỏi về nước da kỳ lạ trên, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái cười nói: “Không biết chất đồng có “ăn” vào máu người dân hay không, nhưng có lẽ “vì ăn ở với đồng, ngủ cũng gần đồng” nên da trông thế”. Ông Quảng cho biết, vị tổ nghề của làng là cụ Nguyễn Công Truyền, còn lai lịch, quá trình làm nghề của vị thánh tổ của làng, ông cũng không biết gì thêm. Tìm đến GS. Bùi Văn Nguyên, cựu Tổng Thư ký Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, chuyện về ông tổ nghề của làng Đại Bái mới rõ ràng. Đó là cụ Nguyễn Công Truyền sống vào cuối tiền Lê và đầu thời Lý. Thời đó, dân làng Bưởi Nồi tha phương, cầu thực khắp nơi mưu sinh. Cụ Truyền cũng lang bạt theo chúng bạn sang tận Trung Quốc làm thuê. Thấy nghề đồng ở Trung Quốc rất phát triển, thế là cụ theo đuổi học nghề đúc đồng.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, cụ Truyền về nước, bao nhiêu tinh hoa học được, đem truyền hết lại cho làng. Chẳng bao lâu sau, Đại Bái thành thủ phủ của nghề đúc đồng lớn của vùng Kinh Bắc.  Rất nhiều đồ đồng thờ tự, sinh hoạt hàng ngày của triều đình cũng đều do những người thợ làng Đại Bái cung cấp. Sau khi về với tiên tổ, cụ Nguyễn Công Truyền được triều đình phong là “Dực bảo trung hưng linh phú chi thần”, rồi ban cho sắc phong: “Quang uý địch bảo trung hưng trung đẳng thần”, và “Đoan đúc tôn thần”. Cả ba lần truy phong chức sắc, cụ Truyền đều trở thành “thần”. Thế mới biết công lao lẫn đức độ tài năng của vị thánh tổ nghề đồng, ứng với câu: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

Nhà nào cũng có lò nấu đồng.

Suốt chiều dài làm nghề, người Đại Bái đúc kết thêm những tinh hoa theo từng  giai đoạn lịch sử. Vào thời Nguyễn, có 5 người của làng đại diện cho 5 dòng họ, gọi là “Hậu thiên sư” được nhà vua mời vào cung điện để hoàn thành các tác phẩm kim khí. Đó là 5 cụ: Phúc Thành, Phúc Tâm, Phúc Thái, Phúc Lai, Phúc Nghĩa.

Danh tiếng của 5 cụ “Hậu thiên sư” vang danh khắp chốn và được dân gian gọi chung là “tiến sĩ” đồng. Đó là tước vị tuy không chính danh, nhưng chính nghĩa, cho bàn dân thiên hạ biết tinh hoa nghề của đất Kinh Bắc xưa, tài nghệ công phu của người Việt.

Ông Nguyễn Xuân Hường, Trưởng ban quản lý di tích làng nghề, cho biết thêm: “Hiện làng có 1.500 hộ dân với 8.000 nhân khẩu. Trong hơn 2.000 thợ, có 8 nghệ nhân đạt cấp quốc gia”. Xã Đại Bái có 3 làng thì duy có làng Đại Bái là làm nghề đồng. Làng này trước có tên nôm là Bưởi Nồi. Vì thế dân gian có câu: “Muốn ăn cơm trắng, cá trôi/ Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh/Muốn ăn cơm trắng cá ngần/ Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng”. Ông Hường tự hào khoe: “Ở làng, từ đứa trẻ dù chưa biết chữ, nhưng đã biết phân loại đồng, đến chế biến, chế tác, đục đẽo. Có lẽ người Đại Bái không giỏi nghề gì hơn nghề đồng”. Trong các ngõ ngách của làng, tiếng gõ, tiếng đục râm ran như tiếng ve vào hạ.

Người Đại Bái làm nghề.

Ông Hường bảo, nghề nặng nhọc, độc hại nên cứ đến tuổi 50 là “nghỉ hưu”. Trẻ em đến tuổi 15 đã lành nghề, độ tuổi 18-20 đã có thể tự tay chế tác những vật tinh xảo nhất. Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục tâm sự: “Chúng tôi gửi danh vào lửa, chẳng cần nổi tiếng. Sản phẩm làm ra vừa bền vừa đẹp là mãn nguyện rồi. Suốt cả nghìn năm luyện đồng, chưa lúc nào bễ lửa luyện đồng của làng bị tắt. Mùa hè, chúng tôi làm để tích hàng. Đến Tết và sau Tết mới xả hàng. Lúc đó, ô tô, xe máy đông kín đường đến lấy sản phẩm”. Nghe chúng tôi hỏi về bí quyết luyện đồng nổi tiếng của làng, ông Lục lắc đầu: “Nhà nào làm nghề cũng cũng có bí quyết, bí quyết ấy phải giữ gìn, không thể chia sẻ. Làng trước đây còn có luật cấm con gái lấy chồng làng khác nữa đấy”.

Đường vào Đại Bái.

Nghề đúc đồng, gò đồng Đại Bái trải qua nhiều thăng trầm, không dừng ở trình độ thủ công ban đầu, mà nay đã phát triển mở rộng sang các loại hình sản xuất mới đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như chạm khắc hàng mỹ nghệ...Với bàn tay tài hoa và sự năng động sáng tạo, người Đại Bái đã làm ra những sản phẩm trang trí bằng đồng, mạ vàng, mạ bạc. Từ các bình hoa, các bộ đồ trà, tranh gò đồng nổi, tranh chữ, hoành phi câu đối đến các sản phẩm dành cho văn phòng như: Tranh phong thủy, quà tặng bằng đồng, tượng đồng, logo- huy hiệu...đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của xã hội. Tất cả sản phẩm đều đứng vững trong cạnh tranh với các làng nghề khác, và được người tiêu dùng trong, ngoài nước đón nhận...

PHẠM TUẤN-TRẦN NAM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh