CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Đưa thực tập sinh sang Nhật Bản: Chỉ được thu phí sau khi được cấp lưu trú

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trách nhiệm tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động và đào tạo thực tập sinh đưa sang Nhật Bản. Các DN phải đáp ứng điều kiện theo “Quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài và Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài”. Trong đó, cán bộ chuyên trách thị trường, chuyên trách quản lý LĐ tại thị trường Nhật Bản phải có trình độ tiếng Nhật thông thạo (trình độ tối thiểu N2 hoặc tương đương). Cơ sở đào tạo thực tập sinh đi Nhật phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, có đủ số phòng học, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy cần thiết, có đủ chỗ ăn, ở, sinh hoạt, học tập nội trú đáp ứng yêu cầu về quy mô và chất lượng đào tạo thực tập sinh của doanh nghiệp.

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Về hợp đồng phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu như: Thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Mức trợ cấp đào tạo và thực tập kỹ thuật trong thời gian đào tạo (tối đa 2 tháng) tại Nhật Bản có mức tối thiểu là 30.000 Yên/tháng (đối với trường hợp không được cung cấp miễn phí các bữa ăn) và 50.000 Yên/ tháng (đối với trường hợp không được cung cấp miễn phí các bữa ăn). Đặc biệt, trong thời gian thực tập kỹ thuật, thực tập sinh được hưởng lương theo quy định tại Luật lương tối thiểu của Nhật Bản. Ngoài ra, hợp đồng phái cử phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, tổ chức tiếp nhận thực tập sinh bố trí nhà ở kèm theo trang thiết bị phục vụ sinh hoạt đảm bảo các điều kiện vệ sinh, an toàn cho thực tập sinh. Bên cạnh đó còn có chi phí đi lại, bảo hiểm, phí quản lý.

 Riêng chi phí và thời gian đào tạo ở Việt Nam, tổ chức tiếp nhận chi trả vào tài khoản của DN phái cử chi phí đào tạo tại Việt Nam với mức không thấp hơn 15.000 Yên/ người cho thời gian đào tạo 160 tiết tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản. Trường hợp tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản ký hợp đồng với hơn một doanh nghiệp phái cử, các điều kiện của hợp đồng ký với DN phái cử thứ hai trở đi không được thấp hơn điều kiện hợp đồng đã được triển khai trước đó.

Các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi hợp đồng phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản có hiệu lực (đã đăng ký và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận); phù hợp với kế hoạch tiếp nhận của các tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản; được phép thu của thực tập sinh các khoản phí như: Các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/ người/ hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/ người/ hợp đồng 1 năm và chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh.

Nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với thực tập sinh. Học phí và đào tạo tiếng Nhật tương ứng với mức quy định tại Quyết định 630/QĐ-LĐTBXH về việc quy định tạm thời đơn giá đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cho NLĐ thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài tại Quyết định số 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ không quá 5.900.000 đồng/ khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng 529 tiết học. Tài liệu liên quan đến công tác đào tạo LĐ trước khi đi phải được lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ lưu của thực tập sinh tại doanh nghiệp cho tới khi thực tập sinh về nước và thanh lý hợp đồng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với tổ chức JITCO của Nhật Bản theo hướng các tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản tiếp nhận dưới 100 thực tập sinh Việt Nam/năm chỉ được ký hợp đồng tối đa là 3 DN Việt Nam. Các tổ chức tiếp nhận từ 100 - 200 thực tập sinh Việt Nam /năm chỉ được ký hợp đồng tối đa là 5 DN Việt Nam để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, cắt giảm quyền lợi của thực tập sinh. Đặc biệt, định kỳ 6 tháng, căn cứ vào tỷ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng của các DN báo cáo Bộ LĐ-TB&XH xem xét để tiến hành việc tạm dừng đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đối với những doanh nghiệp có tỷ lệ bỏ hợp đồng cao hơn 5% để doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ bỏ trốn cho đến khi xuống dưới 5%. Hiệp hội XKLĐ Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục giám sát các DN phái cử thực hiện đúng các quy định. 

HUYỀN MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh