CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Đưa nông hộ nhỏ vào hệ thống sản xuất, tiêu thụ lương thực thực phẩm

Phương pháp tiếp cận bao trùm hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là một mục tiêu rất quan trọng. Việt Nam đã tổ chức một số cuộc tham vấn để có thể huy động sự đóng góp của các bên liên quan. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nghiệm, bền vững. Thực tế cho thấy hệ thống yêu cầu hai yếu tố chính là kiến thức và hình thức đổi mới.

Phát triển sản xuất thành chuỗi để nâng cao giá trị.

Phát triển sản xuất thành chuỗi để nâng cao giá trị.

Theo ông Đào Thế Anh, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu nông sản, đồng thời nhập khẩu rất nhiều loại nguyên liệu thô phục vụ chế biến. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp những thách thức về tỉ lệ suy dinh dưỡng ở vùng cao và béo phì ở thành phố. Nền nông nghiệp thâm canh của Việt Nam gây ra một số ảnh hưởng nhất định như ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.

Ông Đào Thế Anh cho rằng, cần hỗ trợ các nông hộ nhỏ, do đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn, tư vấn họ về các mô hình mang tính khoa học cũng như đầu vào. Chính vì vậy, Việt Nam rất cần sự tương trợ của tất cả các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này.

Trước xu hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả hơn, ông Robert Cole, Cố vấn khu vực về Đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm, Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mekong đánh giá, nông trại quy mô lớn có vai trò quan trọng nhưng cũng gây ra những tác động lớn với môi trường như phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, vai trò cũng những mô hình nông hộ quy mô nhỏ cũng không kém phần quan trọng. “Nông hộ quy mô nhỏ cũng mong muốn những thực hành sản xuất bền vững do gắn liền với sinh kế lâu dài. Chúng ta cần dành nhiều hơn sự quan tâm đến lực lượng này, một trong những mắt xích quan trọng đầu tiên trong chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm”, ông Robert Cole bày tỏ.

Tại phiên thảo luận, bà Rebecca Shaw, Phó Chủ tịch cấp cao Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết, các báo cáo tổng hợp gần đây cho thấy các chỉ số đa dạng sinh học đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong khi đó, đa dạng sinh học là yếu tố tối quan trọng trong các dịch vụ hệ sinh thái như chăn nuôi, thủy sản, sản xuất gỗ, cacbon…  “Những mảnh ghép trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ thực phẩm cần được xâu chuỗi, lồng ghép giữa từng cộng đồng với nhau để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Đó là một thách thức mang tính toàn cầu”, đại diện WWF chia sẻ.

Để đưa ra lời giải cho những mảnh ghép của hệ thống lương thực thực phẩm ở cấp độ cơ sở, bà Rebecca Shaw đã giới thiệu mô hình tư duy “Năm I”, bao gồm: Information (thông tin) - Institutions (sự phối hợp của các cơ quan) - Integration (sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và cộng đồng) - Inclusion (sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan) - Inspiration (động cơ, truyền cảm hứng để tạo động lực thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm).

Từ kinh nghiệm của Campuchia trong vấn đề giải quyết những khó khăn trong xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, ông Sok Silo, Tổng thư ký Hội đồng nông nghiệp, phát triển nông thôn (CARD) Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho biết, những thách thức lớn nhất được Campuchia xử lý thông qua những chính sách lớn của Nhà nước, những chiến lược cấp quốc gia cũng như chiến lược tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Tư duy mới về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần sự chuyển đổi từ những hệ thống khác trong xã hội.

KHÁNH VÂN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh