Đối thoại với nông dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp
- Huyệt vị
- 17:39 - 23/03/2023
Lần đầu tiên, tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị quy mô lấy ý kiến nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học để phát triển ngành nông nghiệp. Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và bà con nông dân cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hội nghị mong muốn các cấp lãnh đạo tỉnh và đại diện của nông dân thẳng thắn tham gia đóng góp các ý kiến về khó khăn, tồn tại, kiến nghị trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đề xuất, định hướng cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Tại hội nghị, tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của nông dân để trao đổi với lãng đạo tỉnh. Trong đó, ông Hoàng Công Phước, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Dốc Mơ với mong muốn phát triển nông nghiệp bền vững cho biết nguyện vọng được kéo điện 3 pha do nguồn điện hiện nay chưa ổn định. Đồng thời được vay vốn liên minh và hỗ trợ nâng cấp về đường xá do giao thông hiện nay đi vào vô cùng hạn chế và khó khăn.
Cùng với khó khăn về đường xã dẫn đến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, ông Lê Lộc (xã Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch) phản ánh gói thầu A5, Cao tốc Bến Lức- Long Thành rào chắn dẫn đến khó khăn khi không thể vận chuyển mía, tràm, chuối của xã Phước Khánh.
Ngoài ra, ông Lê Văn Quyết đến từ Hợp tác xã Long Thành Phát cho biết, hiện nay, UBND tỉnh có Quyết định số 290 di dời 3.000 trại chăn nuôi và yêu cầu phải ngừng trước năm 2025, hiện tại các xã viên đang không biết là đi hay ở.
Vì vậy, ông Quyết kiến nghị UBND tỉnh cần rà soát xem trại nào bị ảnh hưởng để dừng hoạt động sớm và trại nào đảm bảo, được tiếp tục thực hiện để tránh gây đứt gãy chuỗi chăn nuôi. Đối với các trại lớn bị di dời, cần giới thiệu đất để có thể xây dựng trại mới. Đối với các điểm được quy hoạch lâu (quy hoạch treo) thì cần rà soát lại để điều chỉnh xem cái nào triển khai được thì cho triển khai sớm, còn không thì hỗ trợ cho tiếp tục sản xuất.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn, chia sẻ góp ý của bà con, nội dung trách nhiệm của các cơ quan sở, ngành tại hội nghị. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2023, toàn ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao hơn so với năm 2022.
Ông Phi đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.