THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 02:02

Đưa nội dung xác suất, thống kê vào môn Toán lớp 2: Có quá sức với học sinh?

Đưa nội dung xác suất, thống kê vào môn Toán lớp 2: Có quá sức với học sinh? - Ảnh 1.

Trong chương trình mới, từ lớp 2 học sinh sẽ được học xác suất, thống kê.

Theo chương trình Giáo dục phổ thông mới môn Toán do Bộ GD&ĐT công bố, nội dung thống kê, xác suất được dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12. Ở lớp 2, phần thống kê gồm các nội dung thu thập, phân loại, sắp xếp số liệu, đọc biểu đồ tranh, nhận xét về các số liệu trên biểu đồ tranh. Về phần xác suất, học sinh làm quen với khả năng xảy ra (có tính ngẫu nhiên) của sự kiện, biết mô tả những hiện tượng liên quan các thuật ngữ có thể, chắc chắn, không thể, thông qua một số thí nghiệm, trò chơi, hoặc xuất phát từ thực tiễn. Sang đến lớp 3, lớp 4 và lớp 5 sẽ là nâng cao hơn đối với xác suất và thống kê.

Thông tin này khiến nhiều phụ huynh băn khoăn bởi bản thân họ chỉ được tiếp cận môn học này khi vào đại học. "Ngày trước, khi bước chân vào giảng đường đại học tôi mới được biết đến nội dung môn học này và chỉ bạn nào giỏi Toán mới học tốt và đạt điểm khá, có nhiều người phải thi lại, thậm chí học lại. Do vậy, giờ nghe thông tin dạy xác suất, thống kê từ lớp 2, tôi thấy rất lo lắng bởi nếu quá khó thành ra đánh đố các con. Hiện con tôi đang học lớp 1, chương trình đã khá nặng khiến con luôn phải gồng mình học, không còn thời gian vui chơi, thư giãn", chị Nguyễn Xuyến, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Anh Nguyễn Tuấn Thành (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, ở bậc tiểu học chỉ nên dạy các con những thứ cơ bản nhất để làm nền tảng cho việc tiếp thu các kiến thức sau này. Nhất là chỉ một bộ phận nhất định có chuyên môn sử dụng đến xác suất, thống kê. Tiểu học cần chơi và học, đừng nghĩ thêm lượng kiến thức cho các con để chúng có thời gian hòa nhập với gia đình và xã hội. "Cũng rất dễ hiểu về những thắc mắc, hoài nghi của phụ huynh đối với nội dung mới sẽ được đưa vào Toán học từ lớp 2 bởi nhiều nguyên nhân. Có lẽ do chương trình giáo dục hiện hành đang ở mức quá tải, nhiều phụ huynh đã "nản" với việc gồng mình của con về các nội dung khó ngay từ cấp tiểu học, vậy nên trước những sự thay đổi nào đó sẽ băn khoăn, lo lắng vì đã có nhiều lần "đổi mới" nhưng dường như lại vẫn chỉ là… giậm chân tại chỗ", anh Thành nói.

Đưa nội dung xác suất, thống kê vào môn Toán lớp 2: Có quá sức với học sinh? - Ảnh 2.

Cô trò trường tiểu học Chu Văn An trong giờ học. Ảnh minh họa.

Một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp ở Hà Nội chia sẻ, để dạy được các nội dung môn học xác suất, thống kê này cho học sinh ngay từ bậc tiểu học không phải là điều dễ dàng. Thực tế, để dạy một thì phải biết mười, trong khi các thầy cô sinh năm 1990 trở về trước không được học về xác suất, thống kê trong chương trình phổ thông. Các thầy cô khác thì cũng lâu rồi không dùng đến các kiến thức liên quan đến xác suất. Bên cạnh đó dạy học theo chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức lớp học theo các hoạt động để từ đó phát huy năng lực của học sinh.

Cô N.K.G, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đưa môn học xác suất, thống kê vào từ lớp 2 là khá nặng so với học sinh kể cả những câu đơn giản như tung mặt xúc xắc. Đương nhiên, tùy vào nhận thức, năng lực của học sinh sẽ tiếp nhận nhanh chậm khác nhau, giáo viên sẽ rất vất vả. "Như hiện nay, học sinh quá đông, có những nội dung, giáo viên giải thích, lấy 3 - 4 ví dụ các em mới tiếp nhận được. Nội dung, kiến thức ở chương trình hiện hành đã nặng rồi vì vậy chỉ mong chương trình mới được giảm tải", cô G. chia sẻ. Còn cô Hải Yên, giáo viên dạy Toán trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, xác suất, thống kê trong toán học có tính ứng dụng cao nên đưa vào dạy học sớm trong chương trình mới là cần thiết. Tuy nhiên, điều cô băn khoăn là đội ngũ giáo viên nhiều tuổi, từ phổ thông cũng không được học nội dung này, vào đại học có được học nhưng cũng không nhiều vì thế họ sẽ gặp khó khăn để đáp ứng.

Theo Bộ GD&ĐT, mục đích của học xác suất, thống kê trong chương trình Giáo dục phổ thông mới là để tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế. Từ đó hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu, nâng cao hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh