Đưa lễ hội vào nề nếp, năm sau phải tốt hơn năm trước
- Văn hóa - Giải trí
- 15:00 - 15/02/2017
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ VH-T&DL đã luôn chủ động, tích cực cung cấp thông tin, phản hồi trước những thông tin về những hành vi phản cảm, bạo lực trong một số lễ hội.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặc biệt nhấn mạnh, lường trước được các vấn đề về lễ hội, do vậy, ngay từ khi kết thúc mùa lễ hội năm ngoái, Bộ đã chủ động làm việc với các tỉnh có lễ hội lớn, lễ hội từng xảy ra hành vi bạo lực, phản cảm để cùng với các tỉnh lên phương án cho lễ hội và tổ chức vận động nhân dân. Tới trước mùa lễ hội năm nay, Bộ đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo. Do vậy, năm nay, các lễ hội đã giảm bớt hành vi phản cảm, bạo lực; công tác quản lý lễ hội đã có tiến bộ, ý thức của người dân được nâng lên.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế quản lý lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng giải pháp quan trọng, căn bản, lâu dài là tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, người tổ chức và tham gia lễ hội. “Những vấn đề tồn tại của năm trước phải được khắc phục một phần, chưa chấm dứt được hẳn thì cũng phải giảm bớt. Năm sau phải tốt hơn năm trước”, Bộ trưởng cam kết. Có thể nơi này, nơi khác còn tồn tại lễ hội phản cảm thì Bộ VH-TT&DL với chức năng quản lý nhà nước của Bộ vẫn đang tiếp tục làm việc với các địa phương và cơ quan truyền thông để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền.
Cần phải kiên quyết trước những hành động phản cảm, thương mại hóa lễ hội (nguồn Internet)
Tiếp thu truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về công tác quản lý lễ hội, trong tuần tới, Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức sơ kết sau 2 tuần các lễ hội diễn ra để có chỉ đạo kịp thời với các địa phương với tinh thần, sau mỗi một mùa lễ hội, các hiện tượng tiêu cực, mê tín, hành vi phản cảm, trục lợi, biến tướng… phải được ngăn chặn.
Bên cạnh vấn đề lễ hội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, về phát triển du lịch, Bộ sẽ tổ chức triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời xây dựng chương trình hành động. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung xử lý các vấn đề như chất lượng khách sạn, nạn “chặt chém” du khách, bảo đảm vệ sinh môi trường… Về lĩnh vực thể thao, trong năm nay Bộ sẽ xây dựng Luật Thể dục thể thao sửa đổi, đồng thời quan tâm hơn tới chế độ cho các vận động viên, tập trung chuẩn bị tốt cho SEA Games 2017, ASIAD 2018 và Olymlic 2020; chấn chỉnh quyết liệt những hạn chế, tiêu cực trong thể thao, nhất là bóng đá… Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới quản lý nhà nước về gia đình, quản lý nghệ thuật biểu diễn, việc phong tặng các danh hiệu, trao các giải thưởng…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng- Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ cho biết hoạt động của Tổ công tác nhằm góp phần thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Hoạt động của Tổ công tác thời gian qua đã mang lại chuyển biến rõ rệt, góp phần để số nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh và lần đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ đã không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn…
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đã đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ trong việc giải trình các vấn đề, nhiệm vụ, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng trong năm 2016, ngành VHTT&DL đã đạt nhiều thành tựu lớn, khi lần đầu tiên khách quốc tế đạt trên 10 triệu, thể thao cũng giành được những thành tích ngoạn mục trên đấu trường quốc tế, những nét phản cảm tại các lễ hội giảm đi… “Yêu cầu của Thủ tướng về việc Bộ VH-TT&DL phải theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý lễ hội, trước những hiện tượng phản cảm, thương mại hóa thì cơ quan quản lý nhà nước phải có chính kiến, ý kiến chính thức, nêu rõ là như vậy đúng hay sai, được hay không được. Tất nhiên đây là vấn đề khó, liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán của người dân, nhưng những gì là phản cảm, thương mại hóa, trục lợi thì Bộ phải lên tiếng. Tôi nhắc lại lần thứ ba, Thủ tướng nói rõ, nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo các địa phương” -Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Bên cạnh đó, Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề cập đến vấn đề bảo tồn di tích và trang trí đường phố. Bộ VH-TT&DL cần hết sức lưu tâm việc bảo đảm cảnh quan, trật tự đô thị khi hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, sử dụng tiếng nước ngoài trên các biển quảng cáo… còn tồn tại ở nhiều nơi. Ngoài ra, ngành VH-TT&DL cũng cần hết sức lưu tâm công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, khi năm 2016 bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp từ cấp quốc gia tới địa phương. Cùng với đó, là công tác phong tặng nghệ sĩ, xét tặng giải thưởng cho các văn nghệ sĩ. “Khi các nhà thơ như Xuân Quỳnh, Thu Bồn… không được nhận giải thưởng thì có các ý kiến, dư luận quan tâm thì phải có giải thích, báo cáo, nói rõ lý do. Rồi hiện tượng phong tặng, truy tặng nhưng lại không có tiền thưởng ngay. Rồi cần phải không để xảy ra chuyện chạy chọt, phải rất công tâm, khách quan, mặc dù không có nhưng cũng không nên để dư luận nghi ngờ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh yêu cầu quan tâm tới giới văn nghệ sĩ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hết sức quan tâm vấn đề xây dựng thể chế, như 4 nhiệm vụ tồn đọng đều liên quan tới thể chế. Với những vấn đề Thủ tướng gợi ý, Bộ cần nghiêm túc tiếp thu, giao cho các đơn vị triển khai với kế hoạch hết sức cụ thể để khắc phục những tồn tại.