Kiên quyết dẹp bỏ hành vi phản cảm trong lễ hội
- Văn hóa - Giải trí
- 22:35 - 08/02/2017
Tái diễn hành vi phản cảm, bạo lực...
Ngay từ đầu mùa lễ hội 2017, nhiều lễ hội đã khai màn, trong đó có Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cùng một loạt các lễ hội khác trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành khác như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa… Điều đáng nói là hiện tượng phản cảm, bạo lực vẫn tái diễn. Đơn cử như ở Hội Gióng, ngay sau các phần nghi thức cung tiến lễ vật, rất đông thanh niên đã vượt qua hàng rào bảo vệ để giành giật hoa tre, bất chấp lực lượng an ninh, trật tự được bố trí khá dày ở khu vực rước lễ. Tuy không có tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhưng có thể thấy rất đông người thuộc đoàn rước lễ cũng hăm hở lao vào đám đông để cầu may. Hay tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) trong ngày khai hội cũng diễn ra cảnh tranh cướp lộc khi nhiều Phật tử chen lấn, giành giật nhau để lấy được vòng ngọc có in tượng Phật do các nhà sư ở đây phát. Điều đáng nói, những hình ảnh phát lộc rất phản cảm ấy diễn ra ngay trước sân chùa Thiên Trù, lúc đầu nhà sư phát lộc cho từng người nhưng số lượng người chen lấn để nhận lộc quá đông, nhà sư nọ đứng lên cao "ném lộc". Hàng nghìn người lao vào tranh giành, có những người bị xô ngã. Tiếp đó, đến mồng 8 tháng Giêng, cảnh giành giật cướp chiếu tiếp tục tái diễn ở hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)... rất phản cảm.
Chen lấn, xô đẩy vẫn tái diễn ở nhiều lễ hội (nguồn Internet)
Không chỉ có cướp lộc, tình trạng rải tiền lẻ tràn lan chốn linh thiêng tái diễn tại lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) ngay trong ngày khai hội (2/2) khi người dân thi nhau sờ đầu rùa, ném tiền lẻ vào các pho tượng Phật… gây nên cảnh tượng rất phản cảm tại một trong những lễ hội quy mô nhất miền Bắc. Hay như trong những ngày đầu năm nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam cũng tái diễn tình trạng rải tiền lẻ và xoa đầu rùa...
Mới đây, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh treo cổ trâu đến chết tại Yên Bái, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, đây là hình ảnh của mùa lễ hội năm 2016. Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái, nghi lễ này sẽ được điều chỉnh, lễ hội năm nay sẽ không có cảnh treo trâu và cũng không để du khách tham quan chứng kiến việc mổ trâu.
Vào cuộc quyết liệt trong quản lý lễ hội
Trước tình trạng diễn ra nhiều hành động phản cảm, biến tướng tại các lễ hội, Bộ VH-TT&DL cho biết sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh lại công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Theo đó, sẽ tăng cường kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, trong đó Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cùng các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội tại Đền Trần (Nam Định) ngày 10/2 (tức 14 tháng Giêng) và Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội tại Đền Trần Thương (Hà Nam) và Đền Trần (Thái Bình) ngày 8/2 (tức 12 tháng Giêng).
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, công tác kiểm tra được thực hiện ngay trước ngày diễn ra các lễ hội, ngay tại di tích, với thành phần là đại diện lãnh đạo UBND các cấp của địa phương tổ chức lễ hội. Theo đó, yêu cầu địa phương có báo cáo phương án tổ chức lễ hội, kịch bản tổ chức, những hạn chế của mùa lễ hội trước sẽ được khắc phục như thế nào trong mùa lễ hội năm nay… Cũng theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, đồng thời với công tác kiểm tra lễ hội, Lãnh đạo Bộ cũng sẵn sàng đối thoại với các cơ quan báo chí về những bất cập, những vấn đề của lễ hội, đồng thời cùng với truyền thông tuyên truyền về quy tắc ứng xử, văn hóa đi lễ hội trong nhân dân. “Lễ hội nào còn xảy ra tiêu cực, phản cảm, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ” - Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết.
Về hiện tượng cướp lộc lần đầu tiên xuất hiện ở Chùa Hương, đại diện Sở VHTT Hà Nội cho biết, đây là hành vi mới phát sinh, Sở VHTT Hà Nội đã đề nghị ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn cần phải xem xét lại có phù hợp hay không. Dù việc phát lộc đầu năm được thực hiện với mong muốn tốt đẹp là đem lại nhiều điềm lành cho người dân trong ngày đầu xuân nhưng cách ban lộc tự phát như vậy lại phản tác dụng, tạo nên những hình ảnh xô bồ, phản cảm ngay trong khuôn viên của cõi Phật. Vì vậy, việc thay đổi cách thức tổ chức, đối thoại cùng người dân, nhà chùa để tìm ra kịch bản tốt nhất cho công tác tổ chức lễ hội là cần thiết.
Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực tại các lễ hội
Đây là một trong những nội dung chính tại Nghị quyết 23/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả việc thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí, bảo đảm an toàn cho du khách; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án về hạ tầng giao thông. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bảo đảm an toàn kỹ thuật các phương tiện, chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa lễ hội. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm; tiếp tục triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy nổ; tổ chức tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.