Đưa “Hamlet” thuần Việt xuất ngoại
- Văn hóa - Giải trí
- 13:26 - 21/03/2016
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, chương trình lưu diễn tại Singapore lần này nằm trong định hướng chiến lược đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp của Nhà hát Kịch Việt Nam, nhằm kéo khán giả trở lại với sân khấu kịch bằng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Đồng thời đây là hoạt động nhằm hưởng ứng năm Shakespeare toàn cầu 2016.
Cảnh trong vở Hamlet trên sân khấu Việt
“Hamlet” là một trong những kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của nhà viết kịch William Shakespeare, đã được dàn dựng ở nhiều quốc gia khác nhau. Đã qua 4 thế kỷ từ thời nhà viết kịch Shakespeare chắp bút viết “Hamlet”, đến nay tác phẩm vẫn không mất đi giá trị thời đại; là vở bi kịch của hành trình đi tìm sự thật - một sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người.
Vở “Hamlet” trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam đã được biên tập, rút ngắn so với nguyên tác, thời gian biểu diễn chỉ còn khoảng hơn hai giờ so với một vở “Hamlet” đầy đủ thường từ ba đến năm giờ, nhưng vẫn thể hiện được nội dung và những giá trị tư tưởng, thông điệp mà Shakespeare gửi gắm trong tác phẩm. Hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch trở về nước chịu tang vua cha và phát hiện ra âm mưu khủng khiếp về người chú ruột đã giết vua cha của chàng với sự đồng lõa của Hoàng hậu - mẹ chàng để chiếm ngai vàng và lấy luôn Hoàng hậu làm vợ. Hamlet quyết định điều tra tìm ra sự thật về cái chết của vua cha và báo thù. Đó không chỉ là câu chuyện kịch đơn giản về một âm mưu nơi cung đình, mà còn cao hơn là bi kịch của một hành trình đi tìm sự thật để bảo vệ cho phẩm giá và lẽ sống của con người, mang đậm chất nhân văn và tính thời đại.
Đạo diễn - NSND Anh Tú cho biết, vở “Hamlet” trên sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam là một phiên bản mới mà ở đó những tăm tối trong mỗi con người được phơi bày một cách chân thực, trong đó có một Hamlet dũng cảm đối diện với cái ác và quyết liệt tiêu diệt đến tận cùng tội ác, mặc dù phải trả một cái giá rất đắt. Đạo diễn đã thể hiện câu chuyện kịch của thế kỷ 17 dưới góc nhìn của thời hiện đại, cố gắng đi tìm lời giải đáp về một xã hội phong kiến đang chuyển mình, tan vỡ trong những hoài nghi và giả dối. Mọi sự ràng buộc của luân thường đạo lý, những tình cảm gia đình, Vợ chồng, anh em, quân thần và ngay cả tình yêu cũng đều trở nên đảo lộn, bị xé bỏ bởi các âm mưu, thủ đoạn nhằm đạt tới quyền lực. Trong bối cảnh u ám đó, Hoàng tử Hamlet và những người bạn của chàng đã trở thành biểu tượng niềm tin của một thế hệ trí thức trẻ châu Âu thời Phục hưng, khao khát đi đến tận cùng sự thật và công lý qua những chứng minh, lập luận rõ ràng, không chấp nhận thất bại và không để cái ác lộng hành, một thế hệ đang khắc khoải tìm về bản ngã và xây dựng nên những triết lý đạo đức của một xã hội mới tốt đẹp hơn.
Được đầu tư với kinh phí dựng vở gấp đôi so với các vở kịch khác - hơn 1 tỉ đồng với sự tham gia trình diễn của NSƯT Trung Anh, cùng các nghệ sĩ: Tạ Tuấn Minh, Phương Nga, Quỳnh Hoa, Việt Thắng, Minh Hiếu, Lâm Tùng, Thế Nguyên, Mai Nguyên, Minh Hải, Thanh Hải… Điều đáng mừng là khi công diễn, “Hamlet” luôn trong tình trạng “cháy” vé ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Thế Vinh, việc đưa “Hamlet” công diễn ở nước ngoài cũng sẽ là một cuộc thử tiếp theo, nhằm tạo sức hút với xã hội để xã hội cùng đồng hành đưa vở diễn đến với khán giả không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Và trong lần xuất ngoại này, “Hamlet” được mang tới khán giả Singapore bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do tập đoàn Tân Hiệp Phát tài trợ. Nhà hát lấy bản gốc tiếng Anh của kịch bản để chạy phụ đề cho lời thoại.
Theo chương trình lưu diễn, vở kịch “Hamlet” sẽ được biểu diễn vào tối 25/3 tại Nhà hát Victoria - nhà hát danh giá và lâu đời nhất của Singapore. Tiếp đến, tối 26/3, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam sẽ có buổi giao lưu với sinh viên Việt Nam đang học tập và công tác tại nước bạn. Theo đạo diễn – NSND Anh Tú, việc “Hamlet” xuất ngoại là một may mắn, bởi thực tế ở Việt Nam, chưa có thói quen tài trợ văn hóa, nhất là những lĩnh vực bị coi là chìm như sân khấu. Các doanh nghiệp có thể tài trợ những chương trình game show hay các hoạt động bề nổi, bởi tài trợ cho kịch, họ không nhìn được những cái lợi trước mắt. Đây là một hướng đi mới cho sân khấu, cố tìm kiếm những tri âm tri kỷ với sân khấu để tìm lối thoát cho mình. “Chúng tôi không muốn dựng những vở diễn để rồi đắp chiếu, không có khán giả. Dù cuộc chiến này cũng rất khó khăn, gian nan. Sự thành công khởi đầu của “Hamlet” đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, để góp phần đưa xã hội tham gia vào cuộc chiến phục hồi lại thánh đường sân khấu…” – đạo diễn, NSND Anh Tú chia sẻ.
Sau khi đưa “Hamlet” xuất ngoại, vào tháng 4 tới, Nhà hát kịch Việt Nam sẽ đưa vở “Lâu đài cát” sang tham dự Liên hoan Sân khấu quốc tế tại Trịnh Châu (Trung Quốc). Ngoài ra, Nhà hát kịch Việt Nam cũng đang huy động các nguồn đầu tư để dàn dựng vở “Kiều” theo thể nhạc kịch dựa trên tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, do NSND Anh Tú đạo diễn.