Du thuyền Hồ Tây: Buộc di dời nhưng chưa biết đi đâu
- Tây Y
- 16:15 - 29/07/2016
Các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây bị đình chỉ hoạt động.
Tại cuộc họp liên ngành ngày 15/6, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã khẳng định trước ngày 20/6 sẽ đình chỉ hoàn toàn hoạt động của các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây.Theo đó, đối với các phương tiện quá hạn sử dụng, không đáp ứng an toàn kỹ thuật, yêu cầu doanh nghiệp tự phá dỡ hoặc di chuyển hẳn ra khỏi hồ. Doanh nghiệp nào cố tình không chấp hành sẽ bị tịch thu, bán đấu giá phương tiện. Thanh tra Sở GTVT cùng Cảnh sát Giao thông Đường thủy lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên Hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép.
Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có duy nhất một đơn vị chấp hành di chuyển là Công ty cổ phần Du lịch thương mại Tây Hồ.
Đại diện Phòng CSGT Đường thủy, Công an TP. Hà Nội thông tin, từ năm 2011 đến nay, 13 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây không hề có phép và khẳng định “Theo quy định về bến thủy nội địa, không có phép mà vẫn hoạt động là vi phạm nên tất cả du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây đều vi phạm”.
Mặt khác, theo yêu cầu, các phương tiện hoạt động trên mặt nước phải có đăng ký, đăng kiểm, nhân viên trên nhà nổi, du thuyền phải được đào tạo về nghiệp vụ, phòng chống đuối nước, cháy nổ… nhưng các du thuyền, nhà nổi này đều là hoán cải và không có đăng ký, đăng kiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, rất nguy hiểm cho du khách.
Các nhà nổi, du thuyền này đã rất nhiều lần có quyết định cưỡng chế di dời, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện được. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xử phạt, nhưng cũng chỉ là “phạt cho tồn tại”. Không chỉ vi phạm về an toàn, mà các nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây còn kinh doanh hoạt động giải trí như bar, karaoke nên thường xuyên gây mất an ninh trật tự.
Chưa có bến mới nên chưa thể di dời?
Ông Vũ Văn Viện thừa nhận, việc giải tỏa các du thuyền, nhà nổi Hồ Tây đã trải qua nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Nguyên nhân được cho là do “Khu quy hoạch bến mới ở Đầm Bảy (Tây Hồ) đến nay còn chưa xong, nên hiện mới chỉ “nhốt” các nhà nổi, du thuyền tại chỗ, tạm đình chỉ hoạt động để kiểm tra”.
UBND TP. Hà Nội giao quận Tây Hồ chủ trì, xây dựng quy hoạch khu bến mới ở khu vực Đầm 7, Nhật Tân, Tây Hồ, đồng thời khẩn trương xây dựng cầu tàu để cho các nhà thuyền di chuyển về. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi việc vẫn dang dở.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, đến nay dự án vẫn “loay hoay” với mẫu thiết kế cầu tàu cho nên mới chậm trễ chưa thể di chuyển các nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây.
Trong khi chờ quy hoạch Đầm 7, Sở GTVT Hà Nội giao Thanh tra GTVT phải kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, bảo đảm dừng mọi hoạt động trong thời gian thanh kiểm tra.
Ông Vũ Văn Viện yêu cầu sau khi có kết quả thanh kiểm tra toàn diện, sẽ xử lý, giải tỏa dứt điểm tình trạng nhà nổi, du thuyền kinh doanh tại đây. Đối với các nhà thuyền không đủ điều kiện cấp phép, sau kiểm tra sẽ tịch thu, tháo dỡ và bán đấu giá.
Nói về phương án xây bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Tây, đơn vị được UBND quận Tây Hồ giao thực hiện phương án di chuyển cho biết, trên cơ sở hiện trạng các tàu thuyền, nhà chờ, bến đợi, cầu dẫn của doanh nghiệp đang hoạt động trên Hồ Tây, Ban đã lập ra phương án sắp xếp cho các phương tiện tại bến thủy nội địa mới.
Cụ thể, theo phương án của kế hoạch trên, toàn bộ bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy được chia làm 2 khu vực. Khu vực 1: Bố trí 5 cầu tàu, trong đó 4 cầu tàu cho tàu thuyền các doanh nghiệp neo đậu, 1 cầu tàu làm bến cứu hộ cho Ban Quản lý Hồ Tây; khu vực 2: Bố trí các sàn nổi, các phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động được di chuyển về chờ đăng ký đăng kiểm hoặc sẽ phải thanh thải.
Năm 2009, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc bảo đảm cảnh quan Hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu các doanh nghiệp có tàu, thuyền kinh doanh trên Hồ Tây dọc tuyến đường Thanh Niên di chuyển bến neo đậu đến địa điểm tạm thời tại số 2 và số 4 Thụy Khuê. Năm 2010, dự án mở rộng vườn hoa Lý Tự Trọng hoàn thành, các bến neo đậu tàu thuyền tại số 2 và số 4 Thụy Khuê gây chắn tầm nhìn mất mỹ quan đô thị tại khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Tây Hồ tìm một địa điểm khác phù hợp để làm bến neo đậu cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trên Hồ Tây. Ngày 20/4/2011, UBND quận Tây Hồ có Công văn số 446/UBND (TTPTQĐ) xin xây dựng Dự án cầu cảng nội địa Hồ Tây. Vị trí: Cạnh Đầm 7 (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Diện tích chiếm nước khoảng: 1,5 ha. Diện tích sàn cầu tàu: 3.000 m2. Bến thủy được thiết kế với 3 lối tiếp cận chính từ phía mặt đường kè hồ. Cấu trúc bến thủy được thiết kế dự kiến sử dụng giải pháp kết cấu cọc đài cao bê tông cốt thép, đài cọc đồng thời được sử dụng làm sàn công tác của bến cập tàu. Ngày 5/5/2011, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 612/VQH-T2 thống nhất với đề xuất vị trí dự kiến xây dựng bến thủy nội địa hồ Tây của UBND quận Tây Hồ tại khu vực giáp Đầm 7, phường Nhật Tân. |