THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:18

Mặc ô nhiễm, dân Hà Nội biến Hồ Tây thành bể bơi

 

Sau một đợt mưa lớn, những ngày gần đây, Hà Nội bỗng chuyển mình nắng gắt và ngày 3/6, chính là cao điểm trong đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè với nền nhiệt lên tới 39 độ C.

Đây là lần nắng nóng nhất kể từ đầu hè với nền nhiệt lên tới 39 độ C, vì vậy người dân Hà Nội đã có những cách giải nhiệt khác nhau.

Tuy nhiên, thay vì chọn cách đến các bể bơi công cộng tắm táp, nhiều người lại thích tìm đến những "bãi tắm tự nhiên" ở sông, hồ, trong đó, đông nhất phải kể đến hồ Tây.

Thời gian này, để cảnh báo người dân không nên "liều mình" lao xuống hồ Tây tắm giải nhiệt, các đơn vị chức năng đã dựng rất nhiều biển cảnh báo với nội dung "Cấm tắm, câu cá ở đây".

Người dân tập trung đông đúc tắm tại Hồ Tây

Thế nhưng, tất cả đều không có ý nghĩa với người dân Thủ đô. Biển cứ "cấm" và người dân thì vẫn cứ tắm. Nhiều người thậm chí còn thoải mái dẫn theo con nhỏ đi bơi mà không hề chuẩn bị áo phao. Trong khi đó, số khác còn đem cả thú cưng đi bơi cùng và thường, mọi người đều bơi cách bờ khá xa.

"Bãi tắm" ở hồ Tây đông nhất từ 16 đến 18h, tập trung chủ yếu quanh khu vực đường Thanh Niên, Trích Sài, Nhật Chiêu, khung cảnh nơi đây nhộn nhịp như một "bãi biển" thực thụ.

Lý giải về sở thích đi tắm mát ở hồ Tây, nhiều người dân cho rằng, nước sông hồ là nước tự nhiên, không gian rộng rãi, thoáng mát và không mất tiền mua vé.

Thế nhưng, trước đó, theo nghiên cứu của Công ty TNHH một thành viên Hồ Tây, hiện mỗi ngày đêm có khoảng 4.000 mét khối nước thải công nghiệp và sinh hoạt xả xuống hồ. Trong số lượng nước thải này, hàm lượng amoniac trong nước chiếm tới 1,5mg/l, gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã từng cảnh báo, môi trường của Hồ Tây trong gần nửa thế kỷ qua thực sự đã bị suy giảm do môi trường nước Hồ Tây đã bị ô nhiễm nặng gây ra.

Hồ Tây bỗng nhiên biến thành bể bơi tự nhiên

"Theo số liệu về môi trường nước Hồ Tây mà chúng tôi có được, thì vào những năm 60 của thế kỷ trước chất lượng nước Hồ Tây còn rất tốt, hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây còn bé hơn 6 mg/l, tức là còn thuộc chất lượng nước loại A, nhân dân xung quanh Hồ thường ra Hồ Tây lấy nước về phục vụ ăn uống.

Thế mà ngày nay nước Hồ Tây đã bị ô nhiễm tới mức trở thành nước loại B1, B2, hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây ở giữa Hồ cao nhất đạt tới 23 mg/l. 

Ở điểm gần bờ phía đường Thanh Niên cao nhất đạt tới 35 mg/l (vượt cả mức lớn nhất của nước loại B2 (25 mg/l)", GS Phạm Ngọc Đăng tiếc nuối.

Riêng với Hồ Tây, bà Lê Thu Hà, Đại học quốc gia Hà Nội cũng cho biết, "lá phổi” quan trọng của thủ đô đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mức pH của nước hồ quá cao -8,1 -10,2 so với mức pH cho phép.

Nguyên nhân chủ yếu, do tích tụ nước thải, và rác thải xả thẳng xuống hồ không qua xử lý, lâu ngày làm tăng dư lượng hữu cơ độc hại. Đây cũng là lý do, nhiều loại cá, tôm, ốc tại Hồ Tây biến mất, màu nước xám xịt, nhiều loài tảo độc hình thành gây mất cảnh quan.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh