CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:36

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi: Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống ma túy

Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV ngày 24/3/2021, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ X vừa qua. Nhất là một số quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi: Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống ma túy - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ XI

Có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ đối tượng sẽ phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc xác định thời hạn quản lý căn cứ vào độ tuổi của người sử dụng trái phép chất ma túy; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo bà Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thể được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại Khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại điều 30 của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, trong đó xác định rõ các trường hợp phải xét nghiệm ma túy trong cơ thể (Điều 22); quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm mà không phân biệt độ tuổi (Điều 23); bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 24); trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng (Điều 25). Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với Công an cấp xã nơi cư trú; chấp hành việc quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi: Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống ma túy - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tô Lâm thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) giải trình tại phiên thảo luận.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an - Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện ý kiến của các ĐBQH về dự án Luật. Tất cả các ý kiến của ĐBQH đã được nghiêm túc tiếp thu tối đa và có giải trình thấu đáo, qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành.

Trước các ý kiến của ĐBQH về việc quản lý tiền chất, quản lý người nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định trách nhiệm quản lý các cơ quan, cơ sở cai nghiện ma túy, chấp hành hình phạt tù của người từ 12 tuổi đến 18 tuổi, công tác cai nghiện ma túy cho người từ 12 tuổi đến 18 tuổi, trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy..., Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định và cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) theo đúng quy định.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh