THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:33

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Tạo điều kiện để nhà báo tác nghiệp

Trước đó, trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) phần người đứng đầu cơ quan báo chí, Tổng biên tập sản phẩm báo chí (Điều 27) quy định: Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng giám đốc, Giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định trên làm cho bộ máy thêm rườm rà, phát sinh thêm nhân sự, chi phí và ngân sách.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị ngoài việc quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của báo chí thì cũng phải quy định cả việc xử lý những cơ quan, đơn vị né tránh, cản trở hoạt động báo chí hợp pháp. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, muốn đảm bảo được quyền về tự do báo chí, để báo chí hoàn thành nhiệm vụ của mình thì cần tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động, trong đó phải quy định trách nhiệm phát ngôn của những cơ quan quản lý nhà nước với báo chí.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, nhấn mạnh: “Quy chế phát ngôn cho báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành song trên thực tế thời gian qua nhiều tổ chức, cơ quan đơn vị, người được giao nhiệm vụ phát ngôn của các cơ quan, đơn vị vẫn né tránh báo chí, không trả lời báo chí. Luật quy định phải xử lý nghiêm những nhà báo đưa tin thiếu, chưa chính xác nhưng lại không đề cập đến các trường hợp né tránh, không trả lời báo chí. Khi những người có nhiệm vụ phát ngôn né tránh, không trả lời, báo chí sẽ phải tìm những nguồn thông tin khác nên đương nhiên sẽ khó đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác…”

 

 

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về việc không được đe dọa, cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí là cần thiết, song để quy định này khả thi thì phải bổ sung quy định hoặc quy định cụ thể hơn, rõ hơn việc xử lý đối với các cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, các quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) còn “khá rối”. Hơn nữa, luật này chỉ quy định việc thực hiện các quyền nói trên chứ không phải quy định lại các quyền tự do đó, vì những bản thân những quyền đó đều đã được quy định trong Hiến pháp.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập nói: “Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) hướng đến hạn chế, kiểm soát cơ quan báo chí mạnh hơn nên nếu không tính toán kỹ thì mục tiêu phát triển của báo chí khó đạt được. Muốn kiểm soát chất lượng báo chí thì phải là kiểm soát khâu biên tập, nhưng trong dự luật lại nêu cao vai trò của cơ quan chủ quản còn vai trò của Tổng biên tập cơ quan báo chí giảm sút, vai trò của biên tập viên thậm chí không được đề cập, riêng vai trò của nhà báo được đề cao nhưng lại không có quy định nào để bảo vệ nhà báo.

Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được trình và thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (dự kiến khai mạc vào ngày 21/3 - 14/4).

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh