THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:23

Bùng nổ du lịch tình nguyện

 

Mô hình du lịch homestay kiểu mới

Du lịch tình nguyện theo các du học sinh, tổ chức phi chính phủ vào Việt Nam trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Trào lưu này hiện rất được giới trẻ chào đón vì qua những chuyến du lịch kết hợp giúp đỡ cộng đồng (một dạng homestay), họ dễ dàng tìm được niềm vui trong cuộc sống. Lời mời gọi được cộng đồng phượt Việt Nam chia sẻ nhiều nhất là: “Ngoài kia chắc chắn đang có một cuộc sống khác chờ bạn. Một cuộc sống đối lập hoàn toàn với chuỗi ngày nhàn nhạt bạn đã đi qua. Vậy thì tại sao không cho mình quyền được đi xa, phá vỡ mọi khoảng trống an toàn để bước ra đời, và tận hưởng”.

Du lịch tình nguyện khác với chương trình sinh viên tình nguyện. Người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định (200.000-400.000 đồng/ngày đêm), nhưng cũng có khi hoàn toàn miễn phí. Chuyến đi tình nguyện có phân nửa là kết hợp du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng miền, đa số là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hình thức du lịch này thường gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng của một tổ chức phi lợi nhuận. Đối tượng tham gia du lịch tình nguyện bao gồm người đi làm, cán bộ nghỉ hưu và đông đảo nhất là học sinh, sinh viên.

 

Tình nguyện viên cắt tóc cho trẻ em dân tộc.

Anh Micheal A.Kuehter đến từ Mỹ, đã sống ở Việt Nam hơn 1 năm nay, đã có 2 lần tham gia chuyến du lịch tình nguyện này. Khác với những tour thông thường, du lịch tình nguyện thường ở những vùng miền núi còn khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển du lịch. Người tham gia vừa là du khách, nhưng cũng vừa là một tình nguyện viên. Những trải nghiệm mới mẻ này là lý do để anh Micheal A.Kuehter tiếp tục những chuyến đi khác.

Trong chuyến đi ở Bản Lác 2, (huyện Mai Châu, Hòa Bình) vừa qua, đoàn có gần 100 tình nguyện viên trong nước và quốc tế, được chia làm nhiều nhóm ở cùng người dân, cùng họ làm các công việc hàng ngày, giúp họ cải thiện giao tiếp tiếng Anh, đánh giá và tư vấn, nâng cao chất lượng du lịch. Điều thú vị là phần lớn du khách tham gia hoạt động này đều là sinh viên. Có lẽ vì giá tour hợp lý, nhiều cơ hội trải nghiệm trong công tác xã hội, tăng cường khả năng ngoại ngữ nên những chuyến đi thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Du lịch tình nguyện cũng có thể coi là mô hình du lịch homestay kiểu mới. Sự tương tác chặt chẽ giữa khách du lịch và cộng đồng dân cư một mặt mang đến cho những vị khách trải nghiệm mới, những hiểu biết về một cuộc sống khác; mặt khác cũng là hình thức giúp người dân không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của mình, tạo sự uy tín và tăng thêm thu nhập.

Thêm cơ hội trải nghiệm cho giới trẻ

Đối với tour miễn phí hoàn toàn, tình nguyện viên tham gia sẽ phải trải qua những cuộc khảo sát tương đối kỹ. Những tình nguyện viên có kỹ năng ngoại ngữ thành thạo sẽ được ưu tiên. Kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng sư phạm tốt cũng là điểm cộng để được lựa chọn. Bên cạnh đó, các ứng cử viên phải có sức khỏe tốt để thực hiện hành trình. Ngoài ra, tùy theo mục đích từng tour tình nguyện thiên về giáo dục, y tế, bảo tồn thiên nhiên, hướng dẫn văn hóa...để ban tổ chức thông báo tuyển người phù hợp.

Lê Tuấn Phương (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) đăng ký chương trình tình nguyện giáo dục của V.E.O từ năm ngoái, nhưng trượt. Sau được giới thiệu sang chuyến tình nguyện khoa học. Phương cùng các bạn dạy trẻ con tại sao có cầu vồng sau mưa, tại sao có sấm sét, khi có sấm sét thì phải làm thế nào… Ngoài việc được luyện nói tiếng Anh cùng các tình nguyện viên quốc tế, Phương kể: “Hai ngày chơi ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), ăn cơm lam, tự nướng thịt, nướng cá là những trải nghiệm vui cực kỳ”. Nguyễn Đan Hà (Công ty Thiết bị y tế Việt Nhật) từng đi Tả Van, Sapa, Lào Cai theo chương trình tình nguyện giáo dục. Hà dạy tiếng Anh và các kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho trẻ em địa phường, đồng thời cắt tóc cho các em. Các tình nguyện viên muốn các em biết đến “có một thế giới khác”, ngoài “núi rừng và mái nhà lụp xụp”.

Nguyễn Phương Mai (du học sinh tại Pháp) thông qua các chương trình du lịch tình nguyện mà đi được 12 nước, trong khi toàn bộ chi phí chỉ là 400 euro. Trần Minh Hoàng (du học sinh tại Mỹ) nhờ du lịch tình nguyện mà đi cả Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á. Hoàng chia sẻ: “Tôi gần như nghiện du lịch tình nguyện, bởi vì tôi không chỉ học được thêm rất nhiều điều, gặp được nhiều người, mà còn có nhiều kinh nghiệm thú vị không thể ngờ. Tôi từng tham gia những hoạt động như bảo vệ động vật hay dạy trẻ em, nhà sư nói tiếng Anh…”.?

Vân Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh