Dự kiến thành lập 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:04 - 11/09/2021
Theo TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức cho nền kinh tế nói chung và hệ thống GDNN nói riêng. Điều này đặt ra bài toán về nội dung, ngành nghề đào tạo trong bối cảnh mới.
Nhìn nhận vai trò của hệ thống GDNN trong việc cung cấp lực lực lượng lao động chiếm tới 70% trên thị trường, ông Bình cho rằng, để thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nêu trên thì việc ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng là một yêu cầu cấp bách.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH (Tổng cục GDNN Việt Nam) đang xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm Quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại 3 miền của Việt Nam.
"Mô hình Trung tâm Quốc gia này phải là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở GDNN; đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quốc gia này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới. Điều này có thể cho phép GDNN trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng, bao trùm và có sự gắn kết.
Cung cấp thêm thông tin, ông Đinh Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục GDNN), cho hay 3 trung tâm này được thành lập trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường cao đẳng của Bộ LĐ-TB&XH: Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, Trường cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất (Quãng Ngãi), Trường Cao đẳng kỹ nghệ II (TP.HCM). 3 trung tâm này được đặt trong mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa trong hệ thống GDNN.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 70 trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4, 3 trường tiếp cận các nước phát triển trong G20. Đến năm 2030, hình thành thêm 3 - 5 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 90 trường chất lượng cao...
TS. Jurgen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam về mô hình về giáo dục kép ở Đức, chia sẻ ở Đức có hơn 1.000 trung tâm về đào tạo nghề chất lượng cao với tiêu chuẩn kỹ năng nghề được công nhận trên toàn quốc.
Theo đó, doanh nghiệp là người lựa chọn học viên, người học viên được doanh nghiệp gửi đến trung tâm đào tạo theo phương thức vừa thực tập, vừa làm. Đồng thời, các trường cũng cung cấp gói đào tạo thường xuyên, nâng cao kỹ năng cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Các trường cũng cung cấp cơ sở thực hành kỹ thuật với công nghệ mới nhất như máy in 3D, sử dụng robot, phát triển khái niệm sư phạm mới trong GDNN.
Từ kinh nghiệm thành công ở Đức, TS. Jurgen Hartwig khuyến nghị, Việt Nam cần bắt đầu từ chức năng chính là cơ sở GDNN thay đổi thế nào. Đơn cử như về đào tạo, không chỉ cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao, mà trường nghề, cao đẳng cũng cần đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp...
Còn bà Sabrina Loi, Giám đốc điều hành ITE - đại diện mô hình "One system ITE, Three colleges" - Một hệ thống, ba trường cao đẳng" của Singapore, chia sẻ thực tế vẫn đang tồn tại tư duy vào đại học mới là con đường tối ưu, đây cũng là thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Nhiều phụ huynh cho rằng không muốn con của mình học trường nghề mà phải vào đại học. Do vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền, hỗ trợ để phụ huynh thấy rõ hiệu quả của các trường nghề. "Làm sao mọi người hiểu không phải học đại học mới là con đường duy nhất mà học GDNN cũng tốt như đại học vậy", bà nói. Bên cạnh đó, để hỗ trợ hệ thống GDNN phát triển thì cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Ông John Tucker, Đại diện về mô hình trường cao đẳng nghề chất lượng cao của Úc, cho hay hệ thống GDNN dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, xác định kết quả chuẩn đầu ra cho đào tạo. Đồng thời, xem khách hàng của hệ thống GDNN - tức là DN, người sử dụng lao động là trung tâm mà đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, giảng viên cũng không nhất thiết phải học đại học, miễn sao có kinh nghiệm làm việc trên thực tế. Đặc biệt, một năm giảng viên có ít nhất 2 tuần đi đến doanh nghiệp làm việc, từ đó để làm mới kỹ năng của giảng viên trên thực tế vậy.
"Việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể cung cấp trang thiết bị, kinh nghiệm đào tạo. Còn thầy cô giáo cũng có thể thông qua doanh nghiệp để phát triển bản thân dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm của mình", ông John Tucker chia sẻ.
Chuyên gia Gabriel, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì khuyến nghị hệ thống GDNN Việt Nam cần xem xét điểm mạnh, điểm yếu của các mô hình đào tạo nghề chất lượng cao trên thế giới. Xem xét các khuyến nghị quốc tế từ góc cạnh khác nhau. Đổi mới bắt đầu chính sách, ông lấy ví dụ như Ấn Độ - chính sách của họ làm sao hướng đến nâng cao tay nghề cho người lao động.
Vị chuyên gia ILO cho rằng cần làm thế nào để hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu thị trường, đưa doanh nghiệp trở thành đối tác trong đào tạo nghề, cũng như nâng cao vai trò của GDNN trong suy nghĩ của người dân.