THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Vì sao du khách nước ngoài không “mặn mà” với du lịch Việt ?

Những con số đáng báo động

Khách du lịch nước ngoài đến Phú Quốc

Có thể thấy đây là thời điểm du lịch Việt Nam “tụt dốc thê thảm” nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.Với lượng khách quốc tế giảm liên tiếp.

Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế vào Việt Nam của ngành này từ năm 2010-2015 ngày càng sụt giảm. Nếu năm 2010, tốc độ tăng trưởng khách đạt 34,8%, thì từ năm 2011-2014 bắt đầu giảm: năm 2011 tăng trưởng 19,1%; 2012 tăng trưởng 13,9%; 2013 chỉ tăng trưởng 10,6% ; năm 2014 tăng trưởng còn 4% và đến 4 tháng đầu năm 2015 thì giảm -12,8%.Trong đó, giảm nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với 40,4% khiến 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc dù tăng nhưng vẫn không thể bù đắp nổi phần sụt giảm của cả thị trường châu Á. Tương tự, du khách đến từ châu Âu cũng giảm 11,1% trong đó lượt khách Nga giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.; 2014 tăng trưởng còn 4% và đến 4 tháng đầu năm 2015 thì giảm -12,8%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần là do những khó khăn về kinh tế, đồng tiền của một số quốc gia mất giá, trong khu vực xuất hiện một số điểm đến nhiều màu sắc như Myanmar. Tuy nhiên, những yếu kém tồn tại từ lâu của ngành du lịch như giá tour đắt, không mở thêm nhiều tour mới, làm ăn chộp giật…đang trở thành những bước “cản trở” khiến Việt Nam bớt “hấp dẫn” trong mắt du khách nước ngoài.

Từ nhiều năm qua, dịch vụ du lịch Việt Nam gần như không có gì đổi mới trong khi đó tình trạng môi trường ô nhiễm, thiếu thông tin…vẫn chưa được cải thiện.Giám đốc một công ty lữ hành cho biết nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì ngành du lịch Việt Nam vẫn còn lạc hậu. Nếu như tại Thái Lan mỗi năm đều đưa thêm những điểm du lịch mới thì Việt Nam nhiều năm liền các chương trình tour vẫn không có gì thay đổi.

Không chỉ có vậy, chính yếu tố con người cũng khiến nhiều du khách nước ngoài mất thiện cảm đối với Việt Nam khi đi đến đâu cũng có một đội ngũ hàng rong “chèo kéo”. Có những trường hợp còn bắt du khách phải mua hàng bằng được mới chịu buông tha. Ngay cả với người dân trong nước cũng luôn bắt gặp tình trạng nhiều người “bao quanh” mỗi khi đi đến các địa điểm danh lam thắng cảnh. Chính những hành vi này khiến nhiều du khách bức xúc và chia sẻ kinh nghiệm trên các fanpage, blog…làm nhiều du khách khác có ý định tới Việt Nam cũng phải “chùn bước”.

Một hãng lữ hành chia sẻ nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam hiện vẫn mang theo tâm lý bất an và dè dặt với các dịch vụ. Cụ thể, trong chương trình khuyến mại tặng quà miễn phí tại ga tàu cho những du khách quốc tế của công ty này lên đường tới Sapa, các du khách đã liên tục từ chối nhận quà vì sợ sau đó bị… đòi tiền. Khi được hỏi, những vị khách này chia sẻ rằng bạn bè hoặc bản thân họ đã từng đến Việt Nam và sử dụng một số dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng những vật phẩm được nói là "cung cấp sẵn" thì lại bị thu phí, thậm chí là mức phí khá cao.

Bên cạnh đó, những rào cản với khách du lịch đến Việt Nam có thể kể đến còn bao gồm cách quảng bá chưa chuyên nghiệp, điều kiện đi lại, thủ tục nhập cảnh chưa thông thoáng... là những nguyên nhân khiến nhiều du khách nước ngoài không đến Việt Nam.

 Miễn visa để thu hút khách du lịch

Du khách nước ngoài đến Tràng An

Phát biểu tại hội nghị về “Các giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu trong tháng 5-6/2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm thì sẽ rất nguy hiểm cho du lịch Việt Nam, vì sẽ kéo theo 6 tháng cuối năm tụt giảm mạnh, trong khi các nước trong khu vực vẫn tăng trưởng tốt, kể cả Thái Lan vốn chịu ảnh hưởng bởi biến động chính trị trong thời gian khá dài. Có thể thấy đây là tốc độ tăng trưởng nguy hiểm của du lịch Việt Nam, nếu không có giải pháp cấp bách, đồng bộ, kịp thời,… để ngăn chặn đà tụt giảm này lại thì du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và không thể phục hồi được”, ông Bình lo ngại.

Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng sụt giảm, theo cách ví von của ông Bình là “tự buộc ta lại, làm vướng chân tay của ta”, đó là chính sách mới làm khó cho thu hút khách du lịch như chế độ thị thực nhập cảnh (visa) mới, bỏ transit, siết lại du lịch tàu biển...

Kêu trời về chế độ visa hiện nay, ông Bình cho hay trên thế giới có 174/229 nước và vùng lãnh thổ miễn visa cho công dân các thị trường lớn là Mỹ, Đức, Anh, 173 nước miễn visa cho công dân Canada, 172 nước miễn visa cho công dân Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà lan, Ý, Bồ Đào Nha…

“Cả thế giới chào đón khách du lịch từ các nước này nhưng Việt Nam thì không. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến du khách những thị trường này không hào hứng đến Việt Nam” - ông Bình phân tích.

Để “giải cứu” du lịch Việt thoát khỏi tình trạng báo động trên, các chuyên gia trong ngành chia sẻ: Du lịch Việt Nam phải giải quyết được tất cả các vấn đề tồn đọng trên, áp dụng đồng bộ, kịp thời các giải pháp để tháo gỡ, trong đó điểm mấu chốt là “nút thắt” visa. Hiện nay Việt Nam đã mở cửa visa cho 7 thị trường, trong đó có 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Và kết quả thu được rất tốt cụ thể, từ khi mở cửa (2004) đến nay, tổng lượng khách quốc tế đến từ 3 thị trường này đã tăng 354%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng của khách du lịch quốc tế nói chung là 269%.

Ông Vũ Thế Bình khẳng định: miễn thị thực là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch, và phải làm một cách chọn lọc, bài bản. Trước mắt, có thể chọn thêm một vài thị trường trọng điểm như Pháp, Đức, Anh, Úc. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam trong 6 tháng (từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2015).

Cũng theo các chuyên gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam, cần triển khai lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng chính sách visa điện tử cho khách quốc tế.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh