THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:21

Mang cơ hội thoát nghèo cho nhiều nông dân

Quang cảnh Hội nghị


Đó là những thông tin đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết, đánh giá, đóng dự án xoá đói giảm nghèo KFW” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam tổ chức vào sáng nay (ngày 20/4) tại thành phố Ninh Bình. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ –TB&XH Nguyễn Trọng Đàm; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hải Long. Cùng tham dự có đại diện các bộ, ban, ngành và các địa phương thụ hưởng dự án.

  Hộ nghèo tăng thêm 20% thu nhập

Từ năm 1994 đến năm 2015, Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam 3 pha  Dự án Quỹ tín dụng quay vòng xoá đói giảm nghèo theo hướng tự cứu (gọi tắt là dự án KFW) , với tổng số tiền 22 triệu DM (tương đương 163,4 tỷ đồng). Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức uỷ thác Ngân hàng tái thiết (KFW) giải ngân theo dõi, giám sát, đánh giá dự án. Chính phủ Việt Nam giao Bộ LĐ –TB&XH là cơ quan tiếp nhận và quán lý dự án. Thực hiện dịch vụ tín dụng dự án được uỷ thác qua Ngân hàng NN&PTNT.  Dự án triển khai nhằm cung cấp các khoản vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nông thôn tại các địa bàn thực hiện Dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kể cả mua sắm phương tiện sản xuất trong khu vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo theo hướng tự cứu.

Pha I: Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 1994-2009 tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tại 18 huyện, 116 xã.  Pha II: Dự án bắt đầu thực hiện từ 1995-2009 tại 6 tỉnh (nay là 8 tỉnh): Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu), Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên (nay là Thái Nguyên và Bắc Cạn). Dự án thực hiện từ năm 1995 tại 33 huyện, 130 xã. Pha III: Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2001-2015 tại Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Dự án thực hiện năm 2001 tại 27 huyện, 200 xã.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại Hội Nghị


Đánh giá về những kết quả triển khai dự án,Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu -nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết, sau gần 20 năm triển khai, Dự án KFW đã tạo điều kiện cho gần 350.000 hộ nông dân trong đó có 315.986 lượt hộ nghèo, cận nghèo tại các địa bàn thực hiện dự án được vay vốn để đầu tư sản xuất, kể cả mua sắm phương tiện sản xuất trong khu vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Việc hỗ trợ các khoản tín dụng trên đã giúp các hộ nghèo nằm trong vùng Dự án tăng các khoản đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Hầu hết các khoản vay đã được mua sắm các tài sản cố định. Trong đó ngành nông nghiệp thu hút nhiều vốn vay nhất, chiếm 90% tổng số khoản vay. Dự án cũng đã trực tiếp tạo ra hơn 120.404 việc làm mới và giúp cho 630.000 lao động có thêm việc làm. So với mục tiêu mong đợi ban đầu thì số hộ được vay vốn từ dự án đã cao gấp 2 lần. Dự án cũng đã giúp cho các hộ gia đình vay vốn tăng thêm thu nhập khoảng 20% sau mỗi chu kỳ vay vốn và gần 20% số hộ vay vốn đã thoát nghèo.

Đóng góp vào kết quả giảm nghèo các địa phương

Theo báo cáo của các tỉnh, hoạt động của dự án góp phần giảm bình quân khoảng 5%/năm hộ nghèo vay vốn dự án. Việc thực hiện tốt dự án đã góp phần phát triển kinh tế, thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động của vùng dự án theo hướng giảm lao động nông nghiệp tăng lao động ngành nghề, dịch vụ tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới. Một số tỉnh nguồn vốn dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác được thế mạnh của địa phương như cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc ở các tỉnh như Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, cây mía ở Hòa Bình, Nghệ An và đầu tư vào nuôi trồng thuỷ, hải sản ở các tỉnh ven biển Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nam Định…

 

Lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam trao tặng bức tranh cho Thứ trưởng.


Thông qua dự án các hộ nghèo vay vốn đã dần dần biết được và tiếp cận với dịch vụ tín dụng, biết tính toán đầu tư sản xuất, kinh doanh, biết chi tiêu trong gia đình. Việc trợ giúp họ vay vốn tín dụng đầu tư sản xuất tạo thu nhập đã làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo phát huy được nội lực tự mình vươn lên, tự cứu mình trong sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội và của Nhà nước. Đồng thời giúp các hộ nghèo an tâm vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh từng bước loại bỏ tình trạng đi vay nặng lãi, vay nóng, bán lúa non, góp phần ổn định an ninh xã hội.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hải Long cho biết, đến nay Ngân hàng NN&PTNT có quy mô tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng. Tham gia Dự án KFW, Ngân hàng NN&PTNT đã triển khai thực hiện tới các chi nhánh thuộc phạm vi dự án với hiệu suất cao, doanh số cho vay luỹ kế đạt trên 1.200 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Dự án đã tạo thêm trên 120.000 việc làm cho người lao động, đưa nguồn vốn tới tận tay các hộ gia đình nông thôn nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho các tập thể, cá nhân.


Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã đánh giá cao việc tổ chức triển khai hiệu quả nguồn vốn của Dự án. Theo Thứ trưởng, Dự án KFW khép lại có thể sẽ mở ra các dự án khác do đó việc tổng kết, đánh giá dự án sẽ mang lại những bài học, kinh nghiệm quý để các dự án. chương trình tín dụng hộ nghèo khác triển khai. Việc xem xét cách thức cho vay, lãi suất cho vay tác động đến hộ nghèo là rất cần thiết, đây là những kinh nghiệm hay để NHCSXH học hỏi. Sau gần 20 năm, Dự án đã triển khai thực hiện đúng đối tượng, địa bàn, lãi suất, các mục tiêu cơ bản hoàn thành. “Cùng với nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nguồn lực trong nước giúp cho diện người được hưởng nguồn vốn tín dụng lớn. Nhờ vậy đã đóng góp cho công tác xoá đói giảm nghèo của Việt Nam, tạo việc làm cho người nghèo. Thay đổi nhận thức của người nghèo, khích lệ ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Đây là chương trình có nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc”- Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng cho biết thêm, trong thời gian tới, Chương trình giảm nghèo sẽ giảm dần các hình thức hỗ trợ cho không và tăng cường các chương trình tín dụng cho vay có điều kiện. Vì vậy đề nghị, tín dụng cho vay hộ nghèo cần linh hoạt về mức vay để đạt hiệu quả vốn vay. Các chương trình cho vay phải gắn kết chương trình an sinh sinh xã hội.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho 7 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Dự án.   

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh