CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Dự án Luật Hội: Không nên quy định quá khắt khe nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài

 

Ủy viên Ủy ban thường (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội. 

Dự thảo Luật trình QH (khóa XIII) giao Chính phủ quy định việc áp dụng Luật này đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hội tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam và tổ chức phi chính phủ trong nước.

ĐBQH Nguyễn Văn Quyền - TP. Cần Thơ phát biểu ý kiến tại hội trường về dự án Luật về hội

6 hội không thuộc đối tượng áp dụng của Luật này gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Luật nêu rõ: “Nguyên tắc hoạt động của hội là phải tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Về kinh phí hoạt động, đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động. Theo UBTVQH, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí. Luật ngân sách nhà nước đã quy định việc cấp kinh phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội là nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và địa phương.

Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp, tiến tới thực hiện nguyên tắc tự trang trải kinh phí, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao. Đối với các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.

Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, trong đó có cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức...

Dự thảo Luật cũng quy định các Hội không được liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Ngoài ra, dự thảo Luật về Hội cũng quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội là hội phải tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động để hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao...

Góp ý về quy định này, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phân tích, nếu quy định như vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hội này, nhất là trong bối cảnh phải tự chủ tài chính. Hơn nữa, hiện Hội chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của 4 hội quốc tế, là thành viên của phong trào chữ thập đỏ quốc tế, như vậy sẽ vi phạm quy định theo dự thảo luật.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu hiện các Hội nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài, nhất là các Hội về khoa học kỹ thuật và chuyên ngành khác hiện khá phổ biến, do đó Luật không nên quy định quá khắt khe trong lĩnh vực này. Một số ý kiến khác băn khoăn việc dự thảo Luật về Hội quy định các “trường hợp đặc biệt” mới được nhận tài trợ nước ngoài có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.

Đối với vấn đề này, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng cần có quy định chặt chẽ để thời gian tới việc này đi vào nề nếp. Tất nhiên, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai việc nhận tài trợ theo quy định của Chính phủ về tiếp nhận hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.

"Trong thời gian nhiều hội thực hiện có hiệu quả, kể cả việc gia nhập các tổ chức quốc tế, nhận viện trợ. Như Hội Luật gia chúng tôi, đã là thành viên của Hội Luật gia thế giới, Hội Luật gia châu Á Thái Bình Dương, Hội Luật gia các nước Đông Nam Á, nhận tài trợ của một số tổ chức nhưng việc nhận tài trợ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ được giao như bảo vệ quyền lợi của giới luật gia", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (đoàn Cần Thơ) nói.

Trong khi đó, tham gia ý kiến về quyền và nghĩa vụ của hội ở chương 4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội dẫn lại câu chuyện VINASTAS công bố khảo sát chất lượng nước mắm đang làm “nổi sóng” dư luận những ngày qua và cho rằng quy định trong dự Luật về Hội lần này phải chặt chẽ hơn.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu hiện các Hội nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài hiện khá phổ biến, do đó Luật không nên quy định quá khắt khe trong lĩnh vực này

“Điều quan trọng là việc công bố tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải của hội. Nghị định 45 của Chính phủ tại Điều 23 quy định về quyền của hội không có bất cứ một khoản nào cho phép hội công bố điều này”. “Trong khi đó, Điều 24 của Nghị định 45 lại quy định không được lợi dụng hoạt động hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức” – ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói.

Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, hậu quả của việc công bố sai quy định của VINASTAS đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 45. Nhưng qua vụ việc này đặt ra cho Luật về Hội một điều là cần phải xem xét, tiếp tục hoàn thiện quy định của Nghị định 45.

Đáng chú ý, theo Điều 25, Hội bị giải tán nếu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước; đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, khi các hội cũng bị giải tán nếu có hành vi gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; rửa tiền, tài trợ khủng bố.

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh