THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:03

Luật về Hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức Hội

 

Dự án Luật về hội được xây dựng gồm 7 chương, 43 điều, quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội; quyền lập hội; chính sách của Nhà nước đối với hội; các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; các hành vi bị nghiêm cấm; hội viên và phân loại hội viên; ban lãnh đạo hội; quyền của hội; nghĩa vụ của hội; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, liên hiệp và giải thể hội; quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; trách nhiệm quản lý Nhà nước về hội...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu điều hành hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 8/9 

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật về hội.

Nhiều đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật là không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp. Bởi vì, đây là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị ở nước ta, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ chuyên trách. Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần tuý mang tính chất xã hội tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của các tổ chức này trong hệ thống chính trị ở nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị - xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh. 

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và pháp luật đã chỉ ra những bất cập hiện nay của các hội, khi cho rằng, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả và rất hình thức. Bên cạnh đó, các tổ chức này tiêu tiền ngân sách nhà nước và khó kiểm soát.

Cụ thể, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc (Đại học Quốc gia) ngân sách trung ương dự toán dành cho nhóm tổ chức mang tính xã hội được bao cấp hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 tổ chức chính trị xã hội (đoàn thể) Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; Đoàn thành niên; Công đoàn và Hội Cựu chiến binh) là 1.260 tỷ đồng, so với thời điểm 2006 ngân sách này tăng gấp đôi (năm 2006 là 532 tỷ đồng).

Nghiên cứu cũng chỉ ra các hội đặc thù như Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nhà văn, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được hưởng nhiều hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên từ năm 2010 trở đi, quyết toán và dự toán không ghi cụ thể tên hội, tổ chức đặc thù được nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Liên quan đến vấn đề về công nhận người đại diện theo pháp luật của hội, theo dự án Luật trình Quốc hội (khóa XIII) thì người đại diện theo pháp luật của hội phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Về vấn đề này, có ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành dự thảo Luật và cho rằng, quy định như vậy là nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà Nước về hội, nhưng cần làm rõ tiêu chuẩn của người này với tính chất là người đứng đầu hội khác với các hội viên khác.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hội không có quan hệ hành chính trực tiếp, quy định như vậy là mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội, việc bầu người đại diện theo pháp luật của hội là kết quả ý chí của các hội viên, do đó, việc Nhà nước công nhận người đại diện theo pháp luật của hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lãnh đạo, điều hành hội của hội viên.

Dự kiến, dự luật trên sẽ được trình xin ý kiến vào thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh